|
Ảnh minh họa: CM |
Bên cạnh việc cung ứng sách thông qua hệ thống nhà sách truyền thống, các đơn vị xuất bản có thể phân phối sách trực tiếp đến độc giả thông qua các trang thương mại điện tử. Độc giả có thể dễ dàng mua sách từ bất cứ nơi đâu, có thể mua trực tiếp từ các đơn vị xuất bản mà không cần qua các khâu trung gian, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet. Các trang web bán sách nổi tiếng như tiki.vn hay fahasa.com, các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada dường như không còn xa lạ với độc giả, đặc biệt là giới trẻ.
Công nghệ phát triển tạo nên sự thay đổi diện mạo ngành xuất bản, song cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức đối với việc bảo vệ bản quyền sách in. Các hành vi vi phạm càng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, khó phát hiện hơn, đồng thời việc phát tán sách vi phạm nhanh chóng và tinh vi hơn. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các đơn vị kinh doanh nghiêm túc cũng như hình ảnh của ngành Xuất bản Việt Nam.
Vi phạm bản quyền gây thiệt hại rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín của các đơn vị xuất bản
Hiện nay, nhiều trang thương mại điện tử bán các loại sách “photo” hoặc “in lại”, đặc biệt là sách học ngoại ngữ, truyện tiếng Anh. Thay vì nhập khẩu từ nhà cung cấp hoặc mua bản quyền để xuất bản theo đúng quy định của pháp luật, những nơi này đã tải bản sách điện tử trôi nổi trên mạng để in ra hoặc photo sách gốc để rao bán với giá rẻ hơn.
Công nghệ in ấn và số hóa phát triển đã khiến sách giả càng ngày càng giống sách thật. Các phần mềm nhận dạng văn bản sử dụng trí tuệ nhân tạo AI đã khiến việc số hóa một cuốn sách in trở nên dễ dàng và nhanh hơn bao giờ hết. Với sự trợ giúp của các loại máy chụp, máy scan hiện đại, chưa đầy 24 giờ có thể tạo ra được một bản PDF giống đến 99% file của các nhà xuất bản. Đồng thời, nếu so sánh các bản sách lậu cách đây mười năm và hiện tại, thì có thể thấy sách lậu đã tiến một bước khá xa về chất lượng in ấn. Việc phân biệt sách lậu và sách thật thật sự khó khăn. Đối với những độc giả không có kinh nghiệm, ít mua sách thì rất khó để nhận ra sách giả, sách lậu nếu không có sách thật để đối chiếu, so sánh.
Thương mại điện tử phát triển đã khiến thủ đoạn phân phối các sản phẩm sách giả này cũng trở nên tinh vi và mở rộng phạm vi hơn vô số lần. Trước đây, sách giả thường chỉ bày bán tại các sạp hàng ven đường, các hiệu sách nhỏ không có tên tuổi, ở các khu vực xa xôi - nơi hệ thống phân phối sách còn hạn chế, nơi độc giả ít tiếp xúc với sách… Tuy nhiên, các trang web thương mại điện tử, các mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cục diện đó. Sách giả hiện nay được bán tràn lan trên mạng và bất cứ ai cũng có thể mua được. Việc lập gian hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc lập các danh tính ảo trên mạng xã hội và đăng bán sách giả cũng rất dễ dàng với những phương thức tinh vi như: Dùng ảnh chụp sách thật của những người bán chân chính (lại là một hành vi vi phạm bản quyền khác) để đăng bán, và gửi sách giả cho người mua; Nhập sách thật từ các đơn vị xuất bản để có giấy chứng nhận từ các đơn vị này, sau đó trộn lẫn với sách giả để bán cho người mua; Sử dụng danh tính giả để lập ra nhiều gian hàng khác nhau. Khi bị phát hiện, cấm bán hàng thì sẽ mở ngay gian hàng khác để tiếp tục kinh doanh.; Thường xuyên chạy quảng cáo với ngân sách lớn, lấn át cả quảng cáo của các đơn vị kinh doanh sách chân chính; Sử dụng các phần mềm hack, công nghệ AI để lập ra hàng loạt tài khoản giả để bình luận, chia sẻ nhằm tăng uy tín ảo cho trang bán sách, gian hàng bán sách của mình trên mạng xã hội; Lợi dụng chiêu bài thanh lý, xả kho để thu hút sự chú ý của các độc giả ham rẻ; In lại các đầu sách đã tuyệt bản, nay không còn được phát hành nữa để lôi kéo độc giả đang có nhu cầu tìm sách hiếm….
Công nghệ phát triển đã khiến việc số hóa một cuốn sách in trở nên dễ dàng và nhanh chóng, trong nhiều trường hợp, chỉ trong vài ngày, một cuốn sách mới xuất bản đã bị chia sẻ bản điện tử trên mạng với tất cả các định dạng phổ biến (pdf, mobi, epub…) , có thể đọc được trên mọi thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử hay máy tính cá nhân. Nếu như trước đây, việc chia sẻ sách điện tử lậu này chỉ xảy ra ở các diễn đàn và thường miễn phí, hoặc chỉ kêu gọi một khoản đóng góp nhỏ để duy trì hoạt động của trang web, thì hiện nay, sách điện tử lậu có thể tìm thấy ở khắp nơi trên internet: các trang web, các mạng xã hội, các nhóm chat… và cực kỳ dễ dàng. Nhiều trang web cho tải sách điện tử lậu đã tồn tại đến hàng chục năm, thu lợi rất lớn từ quảng cáo. Nhiều trang khác, nội dung của các cuốn sách được đăng tải 100%, và ai cũng có thể đọc, nếu chịu xem quảng cáo.
Từ việc chia sẻ miễn phí, cùng với sự tiện lợi của thanh toán điện tử, thương mại điện tử, một số đối tượng bắt đầu kinh doanh sách điện tử lậu. Thay vì bán trên các website riêng, các sàn thương mại điện tử, những người này lập các group kín trên Facebook hay các nhóm chat Zalo, Telegram. Người tham gia có thể đóng tiền hàng tháng để nhận được bản điện tử của các cuốn sách mới xuất bản, hoặc trả tiền để yêu cầu họ số hóa cho cuốn sách mình cần. Cách phân phối, bán sách điện tử lậu kiểu này rất tinh vi, và rất khó phát hiện.
Một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền sách
Những hành vi vi phạm bản quyền nói trên gây thiệt hại rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín của các đơn vị xuất bản, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hoá đọc nước ta cũng như hình ảnh ngành xuất bản Việt Nam với đồng nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, các công ty, các nhà xuất bản hiện nay vẫn còn đang khá bế tắc và chưa có một bộ giải pháp hoàn thiện, hiệu quả để có thể xử lý một cách triệt để vấn đề này.
Trước hiện trạng trên, song song với việc xây dựng chính sách nhằm bảo vệ bản quyền xuất bản phẩm cũng như chế tài với các đối tượng vi phạm bản quyền, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch & Bản quyền Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho rằng: Cần có một số đề xuất trên phương diện truyền thông nhằm nâng cao ý thức của độc giả về tôn trọng bản quyền, vận động người đọc không sử dụng xuất bản phẩm lậu, giả.
Cùng với đó cần thực hiện các phóng sự, chuyên đề trên báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền cho người dân về các tác hại của sách lậu, sách giả. Đồng thời, đưa tin về các vụ triệt phá đường dây sách giả, sách lậu để răn đe các đối tượng khác. Hoạt động này cần tiến hành bài bản, thường xuyên với sự chung tay của các đơn vị xuất bản.
Mặt khác, các nền tảng mạng xã hội, internet hiện nay đang là “sân chơi” chủ đạo của các đối tượng kinh doanh sách lậu, sách giả, ebook, audiobook vi phạm bản quyền. Vì vậy, cần tận dụng các nền tảng này để tuyên truyền nâng cao ý thức của độc giả, giúp độc giả phân biệt được sách thật và sách giả, quảng bá các kênh bán sách chính thống với các giải pháp cụ thể.
Đồng thời, xây dựng kênh thông tin chính thức của Hội xuất bản Việt Nam trên nền tảng mạng xã hội, nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức để độc giả phân biệt sách thật, sách giả, giới thiệu các địa chỉ bán sách uy tín. Tận dụng các kênh truyền thông xã hội của các cơ quan báo đài có uy tín nhằm tiếp cận thêm nhiều độc giả hơn. Các đơn vị xuất bản tăng cường đăng bài hướng dẫn độc giả của mình, sản xuất thêm nhiều nội dung sáng tạo.
Song song đó, các tác giả, dịch giả, các book reviewer có ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ thông tin, kêu gọi độc giả của mình không mua sách lậu, sách giả. Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi, minigame online về chủ đề này, nhằm có thêm nhiều cách thức sáng tạo hơn để truyền tải thông tin đến độc giả.
Cuối cùng, cần xây dựng các kênh thông tin để độc giả có ý thức có thể báo cáo về các trang bán sách giả, những trang web, các hội nhóm trên mạng xã hội bán, chia sẻ sách giả, sách điện tử vi phạm bản quyền đến cơ quan chức năng. Ngoài đường dây nóng điện thoại, độc giả có thể gửi mail hoặc điền một biểu mẫu trên mạng để báo cáo cho cơ quan chức năng về tình trạng vi phạm bản quyền.
Với chiến lược truyền thông lâu dài và bền bỉ, sẽ nâng cao ý thức về bản quyền của đại bộ phận người dân trong một tương lai không xa. Nếu làm được điều này, sách giả, sách lậu sẽ càng ngày càng bị thu hẹp và dần không còn tồn tại trong nền xuất bản nước ta./.