Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Du lịch)
Thông báo kết luận nêu rõ, hơn 70 năm qua kể từ khi thành lập, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động, tập hợp, đoàn kết, tạo điều kiện, động viên, khích lệ văn nghệ sỹ không ngừng lao động, sáng tạo văn học, nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Liên hiệp đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của các tổ chức thành viên, của giới văn nghệ sỹ, có vai trò đầu mối trong quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống; bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ.
Bên cạnh đó, Liên hiệp vẫn còn một số hạn chế nhất định: Chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng để sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao; chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; đội ngũ văn nghệ sỹ còn mỏng, đời sống nhiều người còn khó khăn; kinh phí hỗ trợ sáng tạo, đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, tôn vinh tài năng còn hạn chế; công tác xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để tiếp tục phát huy truyền thống và kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ cả về số lượng và chất lượng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; tăng cường kết nối, trao đổi nghề nghiệp giữa các thế hệ; đẩy mạnh đổi mới tổ chức hoạt động, công tác sưu tầm, sáng tác, biểu diễn nhằm tạo môi trường, không gian thuận lợi, phát huy tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sỹ.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, định hướng đổi mới công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật để hoạt động này thực sự có tính khoa học, thuyết phục, hiệu quả; góp phần định hướng giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho công chúng; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công bố, phổ biến, quảng bá tác phẩm. Chủ động, tích cực hợp tác, giao lưu quốc tế về văn học, nghệ thuật thông qua nhiều hình thức phù hợp.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ động, tăng cường và có giải pháp cụ thể để phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa và âm mưu “diễn biến hòa bình” thông qua văn hóa, tư tưởng; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút, vận động tài trợ cho hoạt động văn học, nghệ thuật bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.
Hỗ trợ nhà ở cho các văn nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn
Về chính sách chi hỗ trợ thường xuyên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ở trung ương và địa phương, hỗ trợ cho văn nghệ sỹ tiêu biểu có khó khăn trong cuộc sống (tổng cộng khoảng 90 tỷ đồng/năm).
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ các văn nghệ sỹ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Trước mắt bố trí khoảng 200 căn hộ tại thành phố Hà Nội được triển khai xây dựng theo phương án: Giao UBND thành phố Hà Nội cân đối, bố trí quỹ đất đã giải phóng mặt bằng; ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu; phần còn lại huy động từ các nguồn khác (sự đóng góp của văn nghệ sỹ, xã hội hóa...) để xây dựng khu căn hộ tại khu vực đất được bố trí.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn để triển khai việc hỗ trợ của ngân sách trung ương theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Liên hiệp chủ động rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ; phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để xác định mức độ hỗ trợ phù hợp, khả thi./.