(ĐCSVN) - Chùa Cầu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa quốc gia mà đây còn là biểu tượng của Khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trải qua tác động của thời gian và những biến thiên của lịch sử, kinh tế, xã hội, đặc biệt là trước sức ép lớn bởi lượng khách tham quan ngày càng tăng khiến Chùa Cầu đang xuống cấp, cần có giải pháp trùng tu, sửa chữa.
Chùa Cầu- Di tích cấp quốc gia đang trên đà xuống cấp cần có giải pháp để "cứu" kịp thời
Chùa Cầu còn gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu được tu bổ lớn 7 đợt và nhiều lần tu bổ nhỏ, lần trùng tu gần đây nhất là năm 1996.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi ngày trung bình có 4.000 lượt khách tham quan Chùa Cầu đã tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến di tích này. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xuống cấp của Chùa Cầu đã diễn ra từ nhiều năm nay, các hạng mục được làm từ gỗ đang từng ngày mục vữa và bào mòn bởi thời gian. Trong khi đó, phần kết cấu trên của Chùa Cầu (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu (chùa) đang có độ tách rời nhỏ; riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột, mỗi khi có mưa, nước từ mái thấm xuống làm ảnh hưởng các hạng mục bằng gỗ của công trình. Đặc biệt, dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy khe Ồ Ồ tại điểm Chùa Cầu và môi trường ẩm ướt của sông nước. Vì vậy mà các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo hư hỏng, mục ruỗng. Đó là chưa nói hằng năm, trước tác động của bão, lụt làm dòng chảy khe Ồ Ồ thêm mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến di tích.
Trước thực trạng trên, nhiều năm qua các cấp chính quyền và người dân Hội An cũng như du khách hết sức lo ngại về sự xuống cấp của Chùa Cầu. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Để tìm giải pháp khắc phục, bảo tồn Chùa Cầu, từ tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tổ chức Hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, Hội thảo vẫn chưa nhận được sự thống nhất giải pháp cụ thể nào, từ đó đến nay việc lập hồ sơ dự án về tôn tạo Chùa Cầu vẫn chưa được thực hiện.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, dù mang tính cấp thiết nhưng đến nay thành phố Hội An vẫn chưa thể lập dự án tu bổ Chùa Cầu chính là những vướng mắc về thủ tục. Theo ông Trung, sau Hội thảo quốc tế về bảo tồn, trùng tu Chùa Cầu, chính quyền TP.Hội An đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập dự án tu bổ Chùa Cầu nhưng tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phải quyết toán các hạng mục của dự án trước đây (phần hạ bộ) mới lập dự án mới được.
Nói về dự án trước đây (phần hạ bộ), ông Trung cho biết thêm, hơn 10 năm trước, một dự án về trùng tu tôn tạo di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (nay là Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam, thuộc Sở VH-TT&DL) làm chủ đầu tư. Tuy vậy, dự án chỉ mới tập trung vào phần hạ bộ là gia cố phần trụ móng di tích; cải tạo cảnh quan, nạo vét hồ điều hòa, xây kè chỉnh trang lại dòng chảy, phần kết cấu bên trên (thượng bộ) vẫn chưa can thiệp.
Ngoài ra, cách đây vài năm Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An có hợp đồng với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khảo sát thực trạng di tích Chùa Cầu bằng phương pháp xác định phương lực. Sau đó, đơn vị đã sử dụng nguồn kinh phí chống bão lụt hàng năm gia cố tạm thời bên dưới cầu trong khi chờ dự án tổng thể được triển khai. “Tu bổ Chùa Cầu bây giờ không thể theo dạng chắp vá loay hoay kiểu hư đâu sửa đó, điều này vô tình sẽ góp phần làm hại di tích mà phải làm đồng bộ, phải tìm hiểu nguyên nhân căn bản, những thông số về kết cấu, vật liệu… khiến di tích xuống cấp. Hạ giải là một phương pháp khoa học chứ không phải hạ giải là triệt hạ làm mới như một số người hiểu lầm” - ông Trung chia sẻ.
Trước sự loay hoay chưa tìm ra giải pháp để “cứu” Chùa Cầu của chính quyền TP Hội An thì người dân trên địa bàn thành phố cũng hết sức lo lắng trước sự xuống cấp của di tích Chùa Cầu- vốn là niềm tự hào của mỗi người dân Hội An. Theo chị Dương Thị Hòa, phường Thanh Hà (TP Hội An), cách đây gần nửa năm, trong một lần dẫn học sinh đi tham quan Chùa Cầu, chị thấy phần ván phía sau chùa sập xệ. “Khi chúng ta đứng ở trên cảm giác sẽ rớt xuống lúc nào không hay. Có một số đoạn thì có lỗ, có thể nhìn thấy nước dưới chân chùa. Tôi nghĩ trùng tu Chùa Cầu là vấn đề cấp bách cần phải thực hiện để giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá này của phố cổ Hội An”- chị Hòa bày tỏ.
Chia sẻ thêm về những dự kiến của địa phương hiện nay, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, vấn đề trùng tu Chùa Cầu hiện vẫn đang là vấn đề nan giải, còn tranh cãi rất nhiều giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý. Nhiều nhà khoa học của Nhật cũng như trong nước và Viện Quy hoạch kiến trúc quốc gia đều đề xướng biện pháp hạ giải, tức là tháo rời di tích và đánh dấu từng cấu kiện một để cái nào hư là thay thế và lắp ráp theo thứ tự, nhưng nếu Chùa Cầu bị tháo dỡ bung ra thì sẽ gây cú sốc rất lớn cho người dân và du khách.
Trước thực trạng trên, TP Hội An đã có những biện pháp tu bổ tạm thời nhằm hạn chế sự xuống cấp như gia cố bằng gỗ, làm hệ thống dặm đỡ, làm cầu tạm để người dân và du khách vừa ngắm vẻ đẹp Chùa Cầu từ cầu tạm vừa không gây áp lực lên Chùa Cầu. Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng giao cho hướng dẫn viên khu vực Chùa Cầu phải làm nhiệm vụ điều tiết, quy định số người tham quan phải đi theo từng nhóm (mỗi nhóm không quá 40 người) để giảm tình trạng quá tải. Ngay Chùa Cầu, thành phố cũng đã lắp đặt 8 camera thông minh do Úc tài trợ để quan sát số lượng, tỉ trọng người qua lại nhằm giảm tối đa tác động lên Chùa Cầu. Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hội An- Nguyễn Văn Sơn thì, vào tháng 12 tới, vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, UBND TP Hội An sẽ tổ chức một Hội thảo khoa học nữa để quyết định giải pháp thực hiện.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, việc xuống cấp của Chùa Cầu đang theo mức độ lớn dần. Các hạng mục xuống cấp không làm sập chùa ngay nhưng với sự thay đổi của thời tiết như mưa bão hay lũ lụt kéo dài, dòng chảy lớn... thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông Nguyễn Chí Trung cũng nhấn mạnh, công tác tu bổ Chùa Cầu không phải là chắp này vá kia mà phải giải quyết một cách cân bằng, giải quyết nguyên căn xuống cấp từ bên trong như hệ thống móng, đá trụ, vật liệu kiến trúc… Vì vậy, cần phải có một quy trình theo luật đầu tư, phải tổ chức điều tra khảo sát, xây dựng đề án, lấy ý kiến các bên liên quan…để thống nhất phương án trùng tu. “Chùa cầu có giá trị lớn đối với Hội An, còn với các nhà khoa học, đụng đến di tích này là đụng đến biểu trưng, biểu tượng, đụng tới một vật linh thiêng. Vậy nên bước đi rất cẩn trọng là phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để đảm bảo được nguyên tắc, đảm bảo được đầu tư, đảm bảo được tiếng nói chung và sự ủng hộ lớn từ cộng đồng”… ông Trung cho biết thêm.
Hiện nay, nguồn vốn chủ yếu để gia cố Chùa Cầu được sử dụng từ kinh phí chống bão lụt hàng năm của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An. Điều vướng mắc là khó khăn trong quyết toán dự án cũ. Ông Nguyễn Chí Trung cho biết, từ năm 2008, dự án tu bổ Chùa Cầu với các hạng mục đã triển khai trước đây có 3 gói thầu riêng gồm: cải tạo vét hồ điều hòa, làm trạm bơm cùng mương nước dưới chân cầu và hạ giải Chùa Cầu, hiện các hạng mục này chưa quyết toán xong. Theo quy định của Luật Di sản, muốn lập hồ sơ dự án mới phải quyết toán dứt điểm các dự án cũ, do đó ông Nguyễn Chí Trung đề nghị chính quyền cấp trên cần sớm giải quyết tồn đọng để lập hồ sơ bổ sung cho việc triển khai trùng dự án.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam thì, việc kinh phí trùng tu với Chùa Cầu đối với TP Hội An và tỉnh Quảng Nam không phải là vấn đề lớn mà vấn đề làm sao đảm bảo được tính nguyên tắc khoa học, đảm bảo được kết quả trùng tu. Quảng Nam và Hội An sẽ ưu tiên tập trung để tu bổ, bảo vệ di tích Chùa Cầu. “Hiện nay Sở đã có một dự án làm sạch nước ở khu vực ven Chùa Cầu để giảm tối thiểu mùi hôi bốc lên vào mùa nắng. Còn việc trùng tu di tích, hiện nay TP Hội An đang xây dựng đề án tổng thể và chuẩn bị trình lên Thủ tướng để xin cơ chế đặc biệt bảo tồn đô thị cổ Hội An chứ không chỉ riêng Chùa Cầu”- ông Hồng nói.
Ngoài ra, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến nay UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý với chủ trương giao cho Sở VH-TT&DL lập dự án đầu tư sử chữa, trùng tu di tích Chùa Cầu. Trên cơ sở dự án này, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án hạng mục chi tiết, đồng thời phân bổ nguồn tài chính để thực hiện. Hy vọng rằng, với những dự kiến và nỗ lực mà tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đang triển khai sẽ được thực hiện khẩn trương và hiệu quả nhằm giải cứu sự xuống cấp đang đe dọa từng ngày đối với di tích Chùa Cầu- một biểu tượng của Hội An hiện nay./.