Cần quy định cụ thể thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

Thứ tư, 23/10/2024 19:19
(ĐCSVN) - Góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể về thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời đề xuất, dự thảo Luật nên quy định theo hướng chỉ cần cập nhật khi có di sản mới được phát hiện hoặc công nhận, thay vì phải kiểm kê lại toàn bộ di sản hằng năm…

Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu, lực hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Làm rõ khái niệm, tiêu chí “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”

Tham gia phát biểu tại Hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nước ta.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại hội trường chiều 23/10. Ảnh: QH

Góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã đưa ra các khái niệm cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể và vật thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao quát, đề nghị làm rõ khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”; nguy cơ mai một cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, dự thảo Luật đã quy định rõ vấn đề này tại Điều 5. Tuy nhiên cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cũng quan tâm đến nội dung về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền tại Điều 18. Theo đại biểu, tại khoản 1 Điều 18 quy định tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được bảo vệ đảm bảo một trong các tiêu chí: “a) Khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất; b) Suy giảm số lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận; c) Suy giảm, biến đổi điều kiện và hình thức thực hành; d) Thu hẹp hoặc biến mất không gian văn hóa liên quan, môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể”.

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, các tiêu chí này trong dự thảo Luật còn chung chung, mang tính chất định tính, khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng không có quy định giao cơ quan nào hướng dẫn. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các tiêu chí hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi khi thực hiện.

Quan tâm bảo tồn, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Góp ý về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đồng tình và đánh giá cao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng như Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp của các ĐBQH trong quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định rất rành mạch, cụ thể tại Điều 7, Điều 19, Điều 81, Điều 85, Điều 90…

Tuy nhiên, đại biểu đặc biệt quan tâm đến văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói và chữ viết. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là di sản rất đặc biệt, đề nghị cần phải quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, thực tế thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua, do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không quy định cụ thể nhưng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quy định cụ thể để tổ chức thực hiện cho tốt.

Cần quy định cụ thể thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) bày tỏ quan tâm đến nội dung về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 11...

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phát biểu tại hội trường chiều 23/10. Ảnh: QH 

Cụ thể, dự thảo Luật quy định: Di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể). Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phải được rà soát, cập nhật hằng năm.

Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể về thời gian kiểm kê, vì quy định yêu cầu kiểm kê hàng năm là chưa phù hợp với thực tế và có thể gây lãng phí. Theo đại biểu, dự thảo Luật nên quy định theo hướng chỉ cần cập nhật khi có di sản mới được phát hiện hoặc công nhận, thay vì phải kiểm kê lại toàn bộ di sản hằng năm…

Về quy định các hành vi cấm liên quan đến di sản văn hóa, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn để phân biệt giữa hành vi cố ý và vô ý khi gây thiệt hại đến di sản văn hóa, nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật.

Cùng với đó để đảm bảo tính thống nhất với các Luật có liên quan, đại biểu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật so với các luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Địa chất và Khoáng sản… để tránh chồng chéo./.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực