Chấn chỉnh hoạt động sai lệch trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Bắc Ninh

Chủ nhật, 27/10/2024 16:44
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản số 1175/DSVH-PVT gửi Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh về việc chấn chỉnh hoạt động thực hành sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn.
Tiết mục khai mạc, giá hầu quan Tuần Tranh của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trần Tuấn Anh (Ảnh: Theo Bộ VHTTDL) 

Theo văn bản của Cục Di sản văn hoá, liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động sai lệch trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - di sản đã được UNESCO ghi trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016, Bộ VHTTDL đã liên tục có các văn bản hướng dẫn như: Công văn số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12/02/2018 gửi Sở VHTTDL/ Sở VHTT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong Thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Công văn số 2973/BVHTTDL-DSVH ngày 21/7/ 2023 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, ngày 24/10/2024, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Yên Phong tổ chức chương trình Liên hoan Hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Ninh lần thứ II - năm 2024 tổ chức tại đền thờ Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong từ ngày 24-25/10/2024.

Qua kiểm tra thực tế, tên gọi của hoạt động là Liên hoan Hát văn, hát chầu văn nhưng nội dung hoạt động diễn ra tối 24/10/2024 lại là biểu diễn Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên sân khấu của một số nghệ nhân và nghệ nhân ưu tú trong và ngoài tỉnh (các nghệ nhân Nguyễn Trần Tuấn Anh, Trần Thị Chung, Đào Đình Học – Bắc Ninh, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Được – Hưng Yên…).

Theo Cục Di sản văn hoá, đây là hoạt động diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; xâm phạm tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, không đúng tinh thần Công ước 2003 vệ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, vi phạm Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Văn bản cũng nêu rõ: “Việt Nam đang xây dựng Báo cáo định kỳ quốc gia trình Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đệ trình vào 15/12/2024 (Bắc Ninh cũng vừa tham gia tập huấn xây dựng Báo cáo do Cục Di sản văn hóa tổ chức vào các ngày 17-18/10/2024 tại Hưng Yên). Trường hợp vi phạm Công ước 2003 và Nguyên tắc đạo đức về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO như trên nếu được thể hiện trong Báo cáo quốc gia, có thể bị UNESCO nhắc nhở, thậm chí xem xét, rút danh hiệu và sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng chủ thể di sản ở hơn 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới uy tín và thể diện của Việt Nam với tư cách Thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026".

Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cần chấn chỉnh ngay hoạt động hầu đồng không đúng quy định trên địa bàn, tuân thủ các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL, đảm bảo thực hiện nghiêm túc Điều 4, Điều 5 Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định về nguyên tắc trong thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; báo cáo kết quả xử lý về Bộ VHTTDL (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 1/11/2024./.

HP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực