Chặng đường mới cho điện ảnh nước nhà

Thứ sáu, 15/03/2013 08:23

(ĐCSVN) - Đúng ngày này cách đây 60 năm - 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh. 60 năm qua, điện ảnh Việt Nam đã song hành cùng lịch sử dân tộc, cùng cuộc sống, chiến đấu của nhân dân ta, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau những năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đã cho ra đời không ít bộ phim gây tiếng vang không chỉ ở trong nước, mà còn lay động trái tim bạn bè quốc tế. Đó là những tác phẩm cho tới nay vẫn là những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam: “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”, “Em bé Hà Nội”, “Con chim vành khuyên”… Bên cạnh đó là những bộ phim tài liệu: “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Điện Biên Phủ”... Xem những tác phẩm này, có thể gặp trong đó xúc cảm ngập tràn vì tổ quốc, gặp ở đó những trái tim luôn gắn bó với số phận của Tổ quốc, hướng về cuộc sống, chiến đấu vì độc lập tự do, khát vọng hòa bình của cả dân tộc…

 

Áp phích giới thiệu phim "Bao giờ cho đến tháng 10"


Qua hai cuộc kháng chiến, dưới mưa bom bão đạn, những người làm điện ảnh đã quên mình, thậm chí chấp nhận hy sinh để quay lại những hình ảnh bom đạn khốc liệt, nhằm cho ra đời những bộ phim tài liệu và điện ảnh chân thực, sinh động nhất, đưa điện ảnh cách mạng Việt Nam từ nhỏ bé dần lớn mạnh. Hy sinh xương máu vì những thước phim là câu chuyện bình thường của những người làm điện ảnh Việt Nam thời kháng chiến. Không bồi dưỡng và hoàn toàn xa lạ với từ catxe của ngày nay, người nghệ sỹ làm nghề với lòng yêu nước, yêu dân tộc, lý tưởng phục vụ nhân dân...

Cũng chính bởi được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, cùng với sức lao động nghệ thuật miệt mài và nhiệt thành, những tác phẩm điện ảnh thời đó đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với nhân dân. Có thể tự hào khẳng định, Điện ảnh đã góp phần xứng đáng giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.

Sáu mươi năm qua, đã có hàng ngàn cán bộ từ đạo diễn, quay phim đến phát hành phim, thuyết minh phim, công nhân máy chiếu, máy nổ và các cán bộ phục vụ trong ngành luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, không quản ngại hy sinh thân mình để có được những thước phim quý giá và trở thành di sản tư liệu quý giá cho dân tộc. Cùng với đó, hàng trăm bộ phim tài liệu, khoa học, phim truyện, phim hoạt hình, nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim xuất sắc đã được trao giải thưởng cao quý tại các kỳ Liên hoan phim quốc gia và quốc tế, khẳng định vai trò của điện ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, xác lập vị trí của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và thế giới...

Tự hào về chặng đường phát triển 60 năm với nhiều thành tựu rực rỡ, điện ảnh Việt Nam không chỉ tự hào về quá khứ mà luôn vượt lên khó khăn, nỗ lực đổi mới, hội nhập để tạo dấu ấn ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đang tồn tại một sự thật: nếu nhìn lại lịch sử phát triển của điện ảnh Việt Nam suốt 60 năm qua, có thể thấy, chưa bao giờ điện ảnh Việt Nam lại rơi vào bầu không khí ảm đạm như những thập niên gần đây. Số lượng phim ra đời thì nhiều, loại hình phong phú, đa dạng, nhưng khán giả và bản thân những người làm nghề đều cảm thấy một điều rất rõ ràng là điện ảnh đang có bước trầm đáng buồn, mặc dù lượng khán giả đến rạp không phải là ít, doanh thu vẫn ồn ào tiền tỷ. Điều đó cho thấy đáng báo động ở đây là chất lượng tác phẩm tụt dốc, số lượng thì nhiều mà chất lượng chưa tương xứng, các tác phẩm thiếu đi chiều sâu tư tưởng, thiếu đi những đỉnh cao, thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh đi sâu vào lòng công chúng... và rõ nhất là hình như điện ảnh giờ được thống trị bởi phim giải trí, khi một vài “đốm lửa” bừng lên như: “Đừng đốt”, “Mùa len trâu”, “Mùi cỏ cháy”... chẳng thể đủ hâm nóng tình yêu của khán giả đối với điện ảnh Việt. Điện ảnh Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng lòng mong đợi của những người hâm mộ cả nước. Một câu hỏi đặt ra: Phải chăng thế hệ những người làm điện ảnh Việt Nam hôm nay chưa hoàn thành trách nhiệm của mình, trước hết là đối với thế hệ đi trước?

Mới đây, Cục Điện ảnh đã trình Chính phủ phê duyệt hai đề án: Đề án đặt hàng các tác phẩm điện ảnh và Đề án thành lập Quỹ phát triển điện ảnh. Theo đó, tất cả các tác phẩm điện ảnh, các đề tài truyền thống, anh hùng chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử, văn hóa, những tác phẩm có giá trị nhân văn cao sẽ được Nhà nước đầu tư, không phân biệt hãng tư nhân, hay Nhà nước. Đề án Quỹ phát triển điện ảnh cũng nhấn mạnh, sẽ dành nhiều đầu tư cho những dự án làm phim độc lập, những dự án làm phim nhỏ nhưng đi vào tìm tòi phát triển ngôn ngữ điện ảnh, những đề án làm phim tác giả, những dự án phim đầu tay… để khuyến khích các tài năng và cũng sẽ thưởng cho những tác phẩm chất lượng cao, có hiệu quả xã hội. Hy vọng với đề án này, sẽ xuất hiện những tín hiệu lạc quan cho một chặng đường mới tươi sáng hơn cho điện ảnh nước nhà.

Chúng ta chờ đợi những bứt phá của điện ảnh Việt. Điều đó phải xảy ra - bởi với truyền thống của mình, sứ mệnh của mình, điện ảnh không thể xa rời nhân dân, xa rời Tổ quốc, và như vậy, phải tìm con đường đi để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt nhất; kế thừa vinh quang, xây dựng những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao, phát triển điện ảnh Việt Nam ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Khánh Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực