Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 và tầm nhìn chiến lược của Đảng

Thứ sáu, 02/10/2020 18:15
(ĐCSVN) – Với chủ đề “Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”, hội thảo đã khẳng định tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi to lớn của Chiến thắng Biên giới 1950; chứng minh chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, táo bạo, quyết đoán, kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh; tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của quân và dân ta trong thực hiện chiến dịch.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu 

Ngày 2/10, tại Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”.

Hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các tổ chức chính trị - xã hội tại trung ương và địa phương; các quân khu, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh sĩ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận thực tiễn của Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, Chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950 là kết tinh của những nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong những năm “chiến đấu trong vòng vây” của địch đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta, là sự kiện lịch sử đánh dấu bước nhảy vọt, tạo chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chuyển cuộc kháng chiến của quân và dân ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Đối với thực dân Pháp, đây là thất bại nặng nề chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương lần thứ hai.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, hội thảo khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở chiến dịch biên giới - nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của quân và dân ta trong Thu - Đông 1950.

Hội thảo đã nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của chiến tranh biên giới (CTBG) Thu - Đông 1950; tập trung khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Chính ủy và Bộ Tổng Tư lệnh ở thời điểm có tính chất quyết định tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới; về phát huy sức mạnh của cả nước để làm nên chiến thắng; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam…

Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên cán bộ Văn phòng Tổng Chính ủy, phái viên Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Biên giới 1950 ôn lại ký ức mà ông từng là người tham gia   

Những bài học từ Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Nhiều tham luận đã khẳng định, với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, đề ra quyết tâm chiến lược, chủ động mở chiến dịch tiến công lớn đúng lúc, chọn đúng hướng và tập trung lực lượng kiên quyết giành thắng lợi. Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 là một trong những chiến dịch điển hình về chỉ đạo đúng đắn, tài tình của Đảng; sự chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch quyết đoán, tài giỏi của Bộ Tổng Tư lệnh. Đó chính là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Một số tham luận đã đi sâu phân tích, làm rõ những nội dung trên và khẳng định: CTBG Thu - Đông 1950 là thắng lợi chung thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ của quân và dân cả nước, của tiềm lực trong nước và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Đó là minh chứng khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối kháng chiến của Đảng ta. 

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá, đến CDBG 1950, Quân đội ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về lực lượng và trình độ tác chiến. Lần đầu tiên, hầu hết các đơn vị chủ lực tương đương với 2 đại đoàn được huy động vào một chiến dịch có quy mô lớn, dài ngày, trên một địa bàn rộng, tác chiến hiệp đồng binh chủng, lấy đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự là chính.

Sau Chiến dịch Biên giới, lực lượng vũ trang của ta tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển nhanh chóng, với nhiều sư đoàn, trung đoàn mạnh, có cả bộ binh và các binh chủng, đã mở nhiều chiến dịch lớn và giành thắng lợi vang dội, đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 Đoàn Ban Tổ chức Hội thảo và Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, chiều 1/10, Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử” và lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Tại lễ dâng hương, các đại biểu đã ôn lại truyền thống cách mạng của quân và dân tỉnh Lạng Sơn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng đất nước. Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân trên mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng đã cùng với cả nước khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm, kiên cường, sáng tạo mở Chiến dịch Biên giới năm 1950. Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn. Chiến thắng biên giới là mốc son lịch sử chói lọi có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam; góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi và để lại những bài học quý về nghệ thuật chỉ đạo, tinh thần đoàn kết toàn dân. Trong chiến công chung đó, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn luôn vinh dự và tự hào về những thành tích đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch toàn thắng. Ngày nay, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Biên giới Thu - Đông năm 1950 vẫn còn nguyên giá trị, trở thành động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh, phát triển nhanh và bền vững.

Sau lễ dâng hương, đoàn đại biểu dự hội thảo đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Thực hiện quyết định của Trung ương, ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra “Mệnh lệnh mở chiến dịch Biên Giới”, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến địch trên Đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê.

Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy: Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính uỷ chiến dịch; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo chiến dịch. Lực lượng tham gia gồm: Đại đoàn 308, 2 trung đoàn bộ binh (174, 209), 3 tiểu đoàn chủ lực (426, 428, 888) của Liên khu Việt Bắc, 4 đại đội sơn pháo (20 khẩu 70mm và 75mm), 5 đại đội công binh và lực lượng vũ trang địa phương hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.

CDBG diễn ra qua 3 đợt trong 29 ngày đêm (từ 16/9 đến 14/10/1950).

Tin, ảnh, clip KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực