Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực

Thứ năm, 25/04/2019 14:59
(ĐCSVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tạc vào lịch sử dân tộc bản hùng ca bất tử cùng những tấm gương anh dũng, sáng ngời, khẳng định ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 25/4 sẽ diễn ra Hội thảo "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực"

80 bài tham luận “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”

Ngày 25/4, tại tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực". Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia vào trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất tử

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tạc vào lịch sử dân tộc bản hùng ca bất tử cùng những tấm gương anh dũng, sáng ngời, khẳng định ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava, đập tan ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thừa nhận nền độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương; làm sụp đổ từng mảng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Hội thảo lần này là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, khát vọng yêu chuộng hòa bình; đồng thời đúc rút ra những kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung khẳng định, làm sáng tỏ, sâu sắc hơn một số nội dung như: Bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Đông Xuân 1953-1954; sự hình thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; khả năng ứng phó của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ trước đòn tiến công chiến lược của ta. Đồng thời, khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn dân kháng chiến; làm rõ vị trí, vai trò sự phối hợp của các chiến trường trong cả nước với Điện Biên Phủ, của các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung; đặc biệt là vai trò, đóng góp của hậu phương, căn cứ địa cách mạng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn khẳng định: Trải qua hơn 6 thập kỷ nhưng tính thời sự, tầm ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau. Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn: Bảo tồn, phát huy, tôn vinh những giá trị lịch sử của chiến thắng này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, quyết tâm nâng cao giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa lên một tầm cao mới bằng những việc tạo ra nhiều Điện Biên Phủ lớn nhỏ trong công cuộc đổi mới hôm nay tại Điện Biên.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
phát biểu đề dẫn hội thảo.

Là một cựu binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Chấp, chiến sĩ Đại đoàn 312 chia sẻ: 65 năm đã trôi qua nhưng ký ức về đồng chí, đồng đội đã cùng sát cánh trong những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn vẹn nguyên trong ông. Đó là những giây phút vào sinh ra tử, trải qua thử thách của chiến tranh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết mà không hề nao núng, khiếp sợ; nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nhiều người để lại phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên này. “Với tôi, qua cuộc chiến vẫn còn đến ngày hôm nay là một sự may mắn, nên dù đã tuổi cao, sức yếu, song tinh thần của người lính Cụ Hồ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên vẫn luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng xứng đáng với những đồng đội đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con”, ông Chấp tâm sự.

Những bài học lịch sử  từ chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội thảo gồm ba phần: “Những vấn đề chung”, “Điện Biên Phủ - Hội tụ sức mạnh Việt Nam”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, với trên 80 tham luận được nghiên cứu, chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính đảng, tính khoa học, bám sát chủ đề, nội dung hội thảo. Các tham luận khẳng định: 65 năm đã trôi qua, lịch sử nhân loại có nhiều biến chuyển, loài người đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng những bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

Các đại biểu dự hội thảo 

Hội thảo đã tập trung làm rõ các kinh nghiệm từ các đoàn dân công, các đại đoàn chủ lực, các quân chủng, binh chủng, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của hậu phương và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế… Đó chính là những nhân tố góp phần tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung.

Thiếu tướng Phạm Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân khẳng định sức mạnh của lực lượng công an và quân đội đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội. Bài học về sự phối hợp giữa quân đội và công an trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được hai lực lượng kế thừa, phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, vùng giải phóng, hành lang cơ động chiến lược…

Theo Thiếu tướng Phạm Hồng Thái, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước, mối quan hệ giữa hai lực lượng được nâng lên một tầm cao mới. Đó còn là sự gắn kết giữa hai lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng với an ninh đối ngoại; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án trên từng vùng, từng miền, nhất là địa bàn chiến lược…

Các đại biểu tham quan gian trưng bày tư liệu lịch sử 

Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết, Chính ủy Quân khu 2 khẳng định bài học xây dựng “thế trận lòng dân” trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược đang được quân dân Tây Bắc phát huy mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh cùng cả nước “kháng chiến, kiến quốc”. Ngày nay, trên cơ sở phát huy bài học “thế trận lòng dân” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 30 năm xây dựng khu vực phòng thủ theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-BCT của Bộ Chính trị, Quân khu và các địa phương trên địa bàn đang tập trung phát huy “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện theo chiều sâu, vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần làm sâu sắc những vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra từ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới…

Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu tham dự hội thảo đi tham quan Khu Di tích Sở Chỉ huy Mường Phăng và Hầm Đờ Cát./.

Tin, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực