Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng thế hệ trẻ

Thứ ba, 18/04/2023 02:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ (Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn là một điển hình để khai thác trong xây dựng nội dung giáo dục địa phương. Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn có thể trở thành không gian giáo dục trải nghiệm sáng tạo.

Những giá trị tinh thần: ý nghĩa lịch sử, bài học chiến đấu, những tấm gương anh dũng … cũng là những tư liệu quý giá trong giáo dục phẩm chất, giáo dục an ninh quốc phòng cho thế hệ trẻ hiện nay.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn là trận đánh lớn của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Chiến thắng này đã vận dụng linh hoạt đường lối chiến tranh cách mạng của Việt Nam, những sự hy sinh và kĩ thuật chiến đấu thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất của quân và dân ta trong giai đoạn lịch sử đó. Nhờ đó, quân ta tiêu diệt gọn một đại đội Âu, Phi lính nhà nghề thiện chiến trong đội quân viễn chinh của Pháp lúc bấy giờ. Chiến thắng Vườn Gòn còn là cơn ác mộng đối với quân Pháp tại Ninh Hòa, góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc tiến tới Hiệp định Giơ-ne-vơ. “Chiến thắng này mãi mãi âm vang một chiến công hiển hách trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược” - PGS. TS Chu Cẩm Thơ nhìn nhận. 

PGS. TS Chu Cẩm Thơ đánh giá: Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn có ý nghĩa lịch sử trong phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh dựa vào bối cảnh văn hóa từ việc phân tích cơ sở lí luận của lí thuyết giáo dục dựa vào bối cảnh, giá trị lịch sử và thực tiễn của chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn với những sự kiện, nhân vật tiêu biểu như là một gợi ý về mô hình giáo dục hiệu quả ở Khánh Hoà.

Giáo dục qua tấm gương những nhân vật lịch sử điển hình

Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, trong chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, có công sức và sự hy sinh của rất nhiều quân và dân Ninh Hoà. Yếu tố đặc biệt góp phần làm nên chiến thắng đó là sự tham gia của Tiểu đoàn 59 và nhân vật tiêu biểu về tài chỉ huy, anh dũng, mưu lược với nhiều phẩm chất tốt đẹp, đó là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu.

 Ảnh tư liệu.

Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là tấm gương về yêu nước, nhân ái và lối sống cao đẹp. Qua nghiên cứu của PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho thấy, trong ký ức của các chiến sĩ, ông Nguyễn Lựu là con người giản dị, quân tư trang chỉ có 1 bộ quân phục, 1 bộ quần áo bà ba đen, đầu đội mũ bêre và chiếc khăn vắt vai. Theo quy định về chế độ tiểu đoàn trưởng được ăn bếp riêng, nhưng cụ Nguyễn Lựu ăn cùng với anh em, mặc dù có tiền lương nhưng cụ không tiêu pha gì cho bản thân mà gửi về cho gia đình ở quê vì có mẹ già, vợ và các con nhỏ; phần còn lại để dành cho chiến sĩ liên lạc, cắt tóc… “Cụ Nguyễn Lựu có lối sống giản dị, thương yêu binh lính, nghiêm khắc mà ấm áp nghĩa tình. Lối sống này khiến ông là niềm tin, sự trân trọng, tự hào, được ví như linh hồn của Tiểu đoàn 59” PGS. TS Chu Cẩm Thơ nhận định .

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu còn là tấm gương về ý chí và kỉ luật, trách nhiệm. Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Kháng, cựu chiến binh Tiểu đoàn 59: Trong kí ức của tôi, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là hình ảnh mẫu mực của người chỉ huy, chững chạc và uy dũng … Tiểu đoàn trưởng luôn ở trên thao trường với anh em, cùng học cách đánh công kiên, lập ra lô cốt rồi tập đánh, mang cả thang ra đánh… Mồ hôi đàm đìa, ngày đêm luyện tập, … , mới biết thủ trưởng của mình là người kiên cường trong rèn quân thế nào. Có lẽ vì vậy mà Tiểu đoàn 59 đánh đâu thắng đó, tổn thất hy sinh cũng hạn chế được nhiều.” PGS. TS Chu Cẩm Thơ đánh giá, từ khi được thành lập cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 59 chỉ có duy nhất một tiểu đoàn trưởng. Các chiến công của Tiểu đoàn có ảnh hưởng rất lớn từ tài chỉ huy và kỉ luật mà ông rèn quân mà thành. Ông nổi tiếng rèn quân, luyện cán.

Chuyên gia này nhìn nhận, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu cũng là tấm gương mưu trí, kiên trung. Bà dẫn lời kể của Trung tá Lữ Tấn Xa – cựu chiến binh Tiểu đoàn 59: “Tiểu đoàn 59 giỏi nhất đánh điểm, với lối đánh bất ngờ. Mặc dù quân số ít nhưng Tiểu đoàn đã đánh là chắc thắng vì khi huấn luyện, chỉ huy ra tình huống cho chúng tôi xử trí, phải đối mặt với kẻ thù được trang bị vũ khí đến tận răng mà mình chỉ có vũ khí thô sơ thì phải mưu trí …”. Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, đặc biệt, trong miêu tả chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra sự mưu trí, kiên trung của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu có tính chất quyết định đến thắng lợi như thế nào: “Điều địch không ngờ, lúc này Tiểu đoàn 59 của Quân khu 5 đưa vào phối hợp hoạt động ở chiến trường Khánh Hòa đang có mặt ở căn cứ… Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió ra vòng ngoài phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của sở “Thằng Lô” cũ, cách Bến Ghe khoảng nửa cây số để chặn đánh đường rút quân của địch. Mặc dù địch có bộ phận gác ở Bến Ghe nhưng chúng không hay biết gì.” (trích Mai Xuân Hồng, Chiến Thắng Vườn Gòn – Đá Bàn).

 Ảnh tư liệu.

Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu còn nổi lên là tấm gương về phẩm chất ham học, không ngừng rèn luyện năng lực. Bà dẫn chứng, theo lời kể của của ông Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Tổng biên tập báo Quân khu 5: “Tôi thấy cụ là một người rất ham học. Lúc đó, cụ khoảng ngoài 50 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong lớp học của tôi nhưng lại rất ham học, không bỏ sót một buổi nào, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt, ý thức học tập rất cao. Gần như không buổi học nào cụ vắng mặt, kể cả những ngày mưa gió, rét mướt. Trong giờ học, cụ thường gương mẫu phát biểu, tranh luận, thảo luận, nói chung rất kỹ và sâu”. Ngoài ra, theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, trong lịch sử cũng đã ghi lại, chỉ trong thời gian ngắn, Tiểu đoàn 59 đã triển khai học các bài học mới về kỹ thuật chiến đấu như kỹ thuật gói bộc phá, đánh trận nội, phát triển trung tâm, tảo trừ, diệt các ổ đề kháng của địch; cách đánh thủ pháo, cách đánh bộc phá, cách sử dụng thang mê … trong chiến thuật công kiên; học các hình thức  chiến thuật tập kích, phục kích…Cách đánh mới, chính trị tư tưởng được tăng cường, kỹ thuật chiến đấu được nâng cao, toàn thể cán bộ, chiến sĩ phấn khởi đón chờ thời cơ lập công.

Nghiên cứu các tư liệu lịch sử và lời kể của các cựu binh Tiểu đoàn 59, PGS. TS Chu Cẩm Thơ đi đến kết luận: Với những phẩm chất, năng lực, bản thân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã là một tư liệu hấp dẫn đối với giáo dục thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, những minh chứng lịch sử đi kèm là những trận đánh vang dội; những quyết định của chỉ huy mưu lược; những hành động hằng ngày trong cuộc sống, trong luyện tập, kỷ luật, giản dị, chăm chỉ… tạo thành hệ sinh thái nhân vật – sự kiện sống động. Những tư liệu này có thể trở thành những nội dung giáo dục an ninh quốc phòng về kĩ thuật chiến đấu, chiến thuật. Bằng phương pháp học tập qua kể chuyện, xem tư liệu, đóng vai… học sinh có thể tự mình trải nghiệm nhân cách, bài học cuộc đời của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. Thông qua đó, chắc hẳn những mục tiêu về giáo dục đạo đức, lối sống, phẩm chất tích hợp với kiến thức an ninh, quốc phòng cho học sinh sẽ đạt được một cách hiệu quả” - theo chuyên gia giáo dục này.

Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn có thể trở thành không gian giáo dục trải nghiệm sáng tạo. 

Địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Dưới góc độ giáo dục, theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Khánh Hoà là mảnh đất hội tụ của đa văn hoá, giữ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội. Đặc điểm này dẫn đến tính đa dạng trong bối cảnh giáo dục ở Khánh Hoà. Đồng thời, cũng tạo ra thách thức trong thiết kế nội dung giáo dục, đảm bảo tính hấp dẫn, thuyết phục và đặc biệt có ý nghĩa.

Được biết, nhằm ghi dấu chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 59 đã anh dũng, mưu trí phá tan âm mưu của địch, góp phần mở rộng vùng kháng chiến, lan tỏa ý chí kiên trung và tinh thần quyết thắng của quân và dân địa phương, tỉnh Khánh Hòa đã cho xây dựng Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn dự kiến sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện này.

Theo đó, Đài tưởng niệm chiến thắng, nhà lưu niệm, không gian công viên… được xây dựng với diện tích khoảng 1ha, sân lễ đài cao 3,4m, biểu tượng chiến thắng cao 15,5m. Đặc biệt, khu lưu niệm có không gian ghi công những anh hùng đã hy sinh trong trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn. Điểm nhấn đài chiến thắng được xây dựng từ ý tưởng phần gốc ăn sâu vào lòng đất, bám rễ, dựa vào sức mạnh lòng dân; phần đỉnh tháp vươn cao, tỏa sáng với ngôi sao vàng 5 cánh trên Quốc kỳ thể hiện chiến công của các chiến sĩ cách mạng lấp lánh trên ngực áo. Kiến trúc đỉnh đài lấy hình ngôi sao làm biểu tượng chiến thắng tự hào, sử dụng nghệ thuật điêu khắc tạo hình ảnh ngôi sao 3D chuyển động, luôn hướng về phía trước như tinh thần quyết thắng của người chiến sĩ. Hạng mục nhà lưu niệm sẽ lưu giữ tư liệu lịch sử - những chiến tích oai hùng của Tiểu đoàn 59. Đặc biệt, khu lưu niệm có không gian ghi công 14 anh hùng hy sinh tại trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20-4-1953.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng đây là công trình có ý nghĩa quan trọng. Khu lưu niệm bao gồm công viên chiến thắng sẽ là một địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng, nơi lưu giữ chiến công oai hùng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xả thân cho Tổ quốc. Đây còn là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương. “Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn có đủ tiềm năng về nội dung, thiết kế, không gian để trở thành không gian học tập trải nghiệm cho hàng trăm học sinh/lần. Bên cạnh đó, với hệ sinh thái sách (Lịch sử Tiểu đoàn 59, Trung đoàn chủ lực 803 Liên khu V, Tiểu đoàn 59 anh hùng của lòng dân…), tạp chí, phim tài liệu (Tiểu đoàn 59 – Họ đã sống và chiến đấu), tranh, ảnh… sẽ giúp cho tư liệu tạo nên hệ sinh thái giáo dục lịch sử về Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, về Tiểu đoàn 59, về những nhân vật lịch sử” - theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ.

Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, có công sức và sự hy sinh của rất nhiều
quân và dân Ninh Hoà.

Hiện nay, việc xây dựng chương trình giáo dục trong một hệ sinh thái học tập gắn liền với thực tiễn văn hoá, lịch sử, kinh tế xã hội là một xu hướng tất yếu của giáo dục 4.0,  được định hướng trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trên phạm vi quốc gia, với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, các tư liệu lịch sử này cần được cập nhật để trở thành nội dung giáo dục lịch sử, văn hoá hấp dẫn. Khánh Hoà có thể đầu tư xây dựng hệ sinh thái giáo dục dựa vào bối cảnh văn hóa điển hình từ chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn theo tiếp cận đa chiều trong mô hình Di sản – Khoa học kĩ thuật – Giáo dục – Xã hội.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, trong hệ quy chiếu đó, chúng ta sẽ nhận ra: Công nghệ mới trong trưng bày, trong/bằng số hóa sẽ nâng tầm giá trị văn hóa; Giá trị/di sản văn hóa sẽ trở thành nội dung/ hoạt động giáo dục đặc biệt là giáo dục trải nghiệm; Người học sẽ tiếp nhận và phát triển văn hóa ngay trong quá trình học và dựa vào đó mà kiến tạo ra kết quả học tập của mình, thay đổi chính mình… Đưa các trưng bày tư liệu và không gian di tích trở thành ngữ liệu giáo dục hằng năm trong chương trình giáo dục địa phương, đầu tư để nghiên cứu phát triển các nội dung cụ thể của di tích vào thực tế trong các môn học: Mỹ thuật, Văn học, Lịch sử, Chính trị, Giáo dục công dân; An ninh Quốc phòng. Công nghệ hóa di sản tiêu biểu này cùng với nhiều di sản lịch sử, văn hoá khác trên địa bàn để chúng dễ dàng trở thành nội dung/ phương tiện giáo dục toàn cầu hóa. Làm được như vậy, văn hóa, lịch sử sẽ là sợi dây xuyên suốt kết nối nhà trường với xã hội, mỗi công dân tương lai sẽ được rèn luyện để trở thành chủ thể của văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, đồng thời hội nhập quốc tế thành công” - PGS. TS Chu Cẩm Thơ tin tưởng./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực