|
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy (Ảnh: TD) |
Văn bản nêu rõ, ngày 27/7/2010, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội".
Nội dung chỉ thị nêu rõ, những năm gần đây, ở nước ta, văn hóa có bước phát triển về nhiều mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển. Hợp tác văn hóa với nước ngoài ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị của thế giới được tiếp thu, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân ta.
Tuy vậy, thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đoạ; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn tới khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, song trước hết là do một số tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp... chưa nhận thấy rõ tác hại nghiêm trọng, nguy hiểm gây hủy hoại đạo đức xã hội của các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập từ bên ngoài vào nước ta; đồng thời do sự yếu kém, lúng túng, bị động, buông lỏng trong quản lý xã hội, quản lý văn hoá; sự bất cập của cơ chế quản lý trước những đặc điểm mới của quá trình hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, nhằm: tạo phong trào quần chúng sâu rộng, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý văn hóa của các cơ quan đảng, nhà nước, sự tham gia chủ động, tích cực, thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp để ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Ngoài ra, tạo môi trường sống tốt đẹp, trong sạch, đa dạng; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa của thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa phong phú của nhân dân.
Nhằm kiểm điểm, đánh giá toàn diện kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong những năm tiếp theo, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn đề nghị cán sự đảng, Đảng đoàn các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Chỉ thị 46-CT/TW.
Trong đó, phân tích, kiểm điểm, chỉ rõ những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc, trong quá trình thực hiện Chỉ thị; rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực trong những năm tiếp theo; đồng thời đề xuất ý kiến đóng góp về chủ trương, quan điểm chỉ đạo, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xã hội văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thông qua việc tổng kết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể về vị trí, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý văn hóa, xã hội; triển khai thực hiện các biện pháp chống sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh phê phán, ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn với việc đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 213-TB/TW, ngày 02/1/2009 của Ban Bí thư về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"… và các nghị quyết, chương trình hành động của địa phương, đơn vị.
Việc tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW phải được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thời gian, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.