"Chủ nghĩa Mác trong kỷ nguyên toàn cầu hoá"

Thứ tư, 20/12/2023 20:33
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chủ nghĩa Mác trong kỷ nguyên toàn cầu hoá" là một sinh hoạt khoa học để chúng ta nghiên cứu sâu sắc hơn những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác. Đồng thời, trên cơ sở phân tích rõ bối cảnh quốc tế thay đổi để vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là những vấn đề lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chủ nghĩa Mác trong kỷ nguyên toàn cầu hoá".

Quang cảnh hội thảo 

Chủ nghĩa Mác ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn và sức sống mạnh mẽ. Tầm ảnh hưởng rộng lớn của Chủ nghĩa Mác đã góp phần hình thành một xu hướng nhận thức mới trong tư duy nhân loại, cũng như định hình một thời đại mới.

Gần 180 năm trôi qua, thế giới đã có những biến đổi vô cùng to lớn và sâu sắc. Sự biến đổi này có những điều đã nằm trong dự liệu của C.Mác, chẳng hạn như tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của khoa học, của tri thức xã hội phổ biến... Nhưng cũng có nhiều điều khác biệt so với thời đại mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã sống. Vì thế, cần phải có sự nghiên cứu, để bổ sung thêm những chất liệu sống động của thực tiễn vào trong những nguyên lý nền tảng, làm cho Chủ nghĩa Mác phù hợp với xu thế biến đổi và phát triển của lịch sử nhân loại.

Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, quá trình quốc tế hóa mà C.Mác nói đến vào thế kỷ XIX đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hóa trong thời đại chúng ta. Toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình toàn cầu hóa đã và đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống quốc tế tới mức mọi vấn đề dường như không thể được giải quyết trong phạm vi một quốc gia, dân tộc. Trong đời sống chính trị xã hội quốc tế, sự ra đời của rất nhiều phong trào cấp tiến (phong trào nữ quyền, chủ nghĩa bảo vệ môi trường, chính trị dân tộc thiểu số,...) nêu ra những vấn đề chung đòi hỏi nỗ lực giải quyết của toàn nhân loại.

"Ngày nay, những giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục được khẳng định, góp phần to lớn vào việc phát triển nhận thức của nhân loại và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn

Thứ nhất, Chủ nghĩa Mác với thế giới quan mới, phương pháp luận khoa học, mang tinh thần biện chứng sâu sắc, vẫn là cơ sở để nhận thức về thời đại bao gồm: bản chất, xu hướng biến đổi, sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản.

Thứ hai, Chủ nghĩa Mác là cơ sở để phân tích cơ sở ra đời, quy luật phát triển và đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Khi nói về tính tất yếu ra đời chủ nghĩa xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới".

Thứ ba, Chủ nghĩa Mác vẫn là cơ sở để kiến giải những vấn đề về mô hình chủ nghĩa xã hội, về vai trò của nhà nước trong điều kiện toàn cầu hoá, về đảng cầm quyền, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi nói.

Cho rằng, bản thân Chủ nghĩa Mác là một khoa học, nên cũng có quá trình phát triển tự thân. Vì vậy, những sự thay đổi của kỳ nguyên toàn cầu hóa cũng đòi hỏi phát triển Chủ nghĩa Mác. Trên tinh thần đó, tại hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các nhà khoa học và các đồng chí tham dự tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm những nội dung: Làm sáng tỏ vai trò của chủ nghĩa Mác trong kỷ nguyên toàn cầu hóa trong đó, cần tập trung vào làm rõ những giá trị bền vững, khẳng định tính khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác; Phân tích vai trò của Chủ nghĩa Mác đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới và Việt Nam, qua đó chứng minh sức sống của Chủ nghĩa Mác; Phân tích rõ bối cảnh mới, yêu cầu bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác, nhất là sự phát triển của khoa học và công nghề, cũng như sự vận động biến đổi của đời sống chính trị - xã hội quốc tế, cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Xác định những nguyên tắc để kiên định và vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác, qua đó chống tư tưởng bảo thủ trì trệ cũng như chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại; Đề xuất những kiến nghị làm cơ sở cho việc nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn Chủ nghĩa Mác./.

Bảo Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực