Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi"

Thứ sáu, 04/06/2021 21:17
(ĐCSVN) - Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước - con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Thời gian đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử và thời đại của sự kiện này vẫn mang tính thời sự sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay.
 Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). (Ảnh: hochiminh.vn)

Sự lựa chọn lịch sử

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, sống trong bối cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của Nhân dân. Người quyết định phải tìm ra con đường mới nhằm đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước, cứu dân. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp) mang theo khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, để đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Thời gian ở nước ngoài từ năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xác định mục tiêu rõ ràng là tìm con đường đấu tranh đúng đắn để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, Nguyễn Tất Thành đã phải làm nhiều nghề để sinh sống như phụ bếp trên tàu, quét tuyết, chụp ảnh, vẽ minh họa cho các báo, viết báo.v.v. Cũng qua công việc, Người thêm hiểu, đồng cảm với những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi trên thế giới, rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường, tu dưỡng đạo đức và bản lĩnh của chiến sĩ cách mạng. Sau này, Bác Hồ tâm sự, Bác làm rất nhiều nghề để làm một nghề lớn lao, đó là nghề cách mạng.

Sau những năm tháng bôn ba khắp năm châu, bốn biển, cuối cùng, Người đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trăn trở tìm đường về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập" - Người viết thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, năm 1923. Với việc tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, theo phân tích của GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, "là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam, đây là khởi đầu dẫn tới Thời đại Hồ Chí Minh, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ XIX đến thập niên 30 thế kỷ XX. Bước ngoặt ấy cũng là khởi đầu cho sự thay đổi số phận của dân tộc ta, là dấu mốc điển hình cho sự phát triển thành thục tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh... Sự ra đời của Đảng không chỉ khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam mà còn cho thấy những cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam".

Những giá trị trường tồn

Thực tiễn đã chứng minh, bằng con đường Bác đã chọn “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, cách mạng Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đi theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra; trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vận dụng phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (12/1920). (Ảnh: hochiminh.vn) 

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế là minh chứng sinh động khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; khẳng định sự đúng đắn về đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra; và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là con đường đúng đắn và sáng tạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lòng yêu nước, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự hy sinh sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời, cả hạnh phúc của mình để có được.

Từ một nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã đi đúng định hướng, xây dựng nên một nước Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh (trung bình 7%/năm), đặc biệt sau thời kỳ đổi mới (1986). Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).

Những thành tựu đất nước và dân tộc giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm qua đủ để khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với đạo đức và phong cách của Người. Cho nên, Đảng ta đã nhấn mạnh rằng học tập, làm theo Bác là cả về tư tưởng, đạo đức và phong cách, nghiên cứu để tìm ra giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải đặt trong mối quan hệ mật thiết với đạo đức và phong cách của Người.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần biến khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta về một nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển, hùng cường, nhân dân tự do, hạnh phúc thành khát vọng, niềm tin, ý chí, quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Đó chính là vấn đề quyết định thành công của Đại hội XIII của Đảng trong thực tiễn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Thành công của Đại hội XIII không chỉ là việc thông qua nghị quyết hay bầu Ban Chấp hành Trung ương mà quan trọng hơn là đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động. Với tầm nhìn xa trông rộng, hướng tới tương lai của Đảng ta, khẳng định rõ toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm: Đổi mới, hội nhập và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) là dịp để chúng ta luôn ghi nhớ đây là cột mốc quý, mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Nhớ về Người, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, ra sức đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hằng ngày; noi theo tác phong giản dị, tinh thần cầu tiến, hoài bão cống hiến của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động, biến việc học tập cuộc đời, sự nghiệp của Bác thành mối quan tâm thường xuyên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực