|
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) (Ảnh: Bộ VHTTDL) |
Cho ý kiến về Chương trình, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 mà Chính phủ trình lần này đã cơ bản được tiếp thu tối đa, bổ sung, giải trình đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa của giai đoạn 2025-2035 được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, nữ đại biểu Đoàn Trà Vinh đã đóng góp một số ý kiến. Thứ nhất, về mục tiêu của chương trình, tại nội dung thành phần của chương trình thứ nhất về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, chỉ tiêu trong Tờ trình của Chính phủ là 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên, đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu này.
Đại biểu cho rằng, nên đưa tỉ lệ này lên cao hơn là 95%. Bởi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên hiện nay các cơ sở giáo dục đều tổ chức các hoạt động này trong môi trường đào tạo. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì một trong những nguyên nhân đạt được là phải xuất phát từ các cơ sở giáo dục.
Nghị quyết số 33 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI cũng có nêu xây dựng mỗi trường học phải thật sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, giáo dục truyền thống, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cụ thể như Thông tư số 48 ngày 31/12/2020 cũng đã quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường.
Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu, đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ các lý do trên, đại biểu cho rằng chỉ tiêu này nên tăng lên 95%, như vậy mới có cơ sở đăng ký nguồn vốn để triển khai chương trình.
Thứ hai, về phạm vi, quy mô thực hiện chương trình, trong đó có việc đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Về nội dung chưa được quy định trong Luật Đầu tư công, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị trong việc sửa đổi Luật Đầu tư công trình tại kỳ họp này, Chính phủ bổ sung vào nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công.
Thứ ba, về cơ chế quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình, đại biểu bày tỏ thống nhất quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.
Thứ tư, về đối tượng thụ hưởng của chương trình, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng là các xã an toàn khu, vùng an toàn khu. Bởi vì, xã an toàn khu, vùng an toàn khu là nơi có truyền thống yêu nước, cách mạng lâu đời, nhân dân có tinh thần đoàn kết, trung thành với Đảng và cách mạng. Vùng an toàn khu còn là biểu tượng của sự đoàn kết, quyết tâm, sức mạnh của Nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hiện nay, các chính sách liên quan đến xã an toàn khu vùng an toàn khu còn nhiều hạn chế./.