Chuyện kể của những phóng viên ảnh có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30/4

Thứ ba, 27/04/2010 16:53

Lữ đoàn 203 chiếm Dinh Độc lập (ảnh: Đinh Quang Thành)
Ngày 30/4/1975 mãi mãi là thời khắc đáng nhớ trong lịch sử Cách mạng Việt Nam. Hồi ức về những ngày tháng không thể nào quên ấy luôn theo suốt cuộc đời nhiều người, trong đó có những phóng viên ảnh – những người đã trực tiếp cầm máy ghi lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc…

** Phóng viên Đinh Quang Thành: 30/4/1975 là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm báo của tôi

Nhớ về những ngày tháng ấy, ông Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam kể lại: “Sau hơn 1 tháng rong ruổi theo các đoàn quân giải phóng suốt từ Bắc vào Nam, rạng sáng ngày 30/4/1975, tôi cùng tổ phóng viên “mũi nhọn” theo một mũi tiến quân của Sư đoàn 304 hành tiến vào Sài Gòn. Xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn đầy lửa đạn, tới đầu cầu Thị Nghè tôi nhảy xuống đường nhưng không sao chụp được ảnh vì bà con hai bên đường ùa ra tặng quà, đành chạy vội về xe tiếp tục tiến về Dinh Độc Lập.

Cùng với Lữ đoàn tăng 203 vào Dinh Độc Lập, với phản xạ nghề nghiệp  tôi mải miết chụp tất cả những gì diễn ra trong thời khắc đó: các xe tăng số 390, 843 án ngữ trước thềm Dinh Độc Lập; các binh sĩ, sĩ quan quân đội Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, các thành viên chính quyền Sài Gòn khai báo tại tầng hai Dinh Độc Lập...

Sau khi ở Dinh Độc Lập chứng kiến những giây phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, tôi đã hòa mình vào không khí sôi động của người dân Sài Gòn mừng ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 30/4/1975 là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm báo của tôi”…

Trong cuốn sách “Ảnh Việt Nam thế kỷ XX” của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, trong đó có bức ảnh Nhân dân thành phố Sài Gòn đón chào quân giải phóng in tràn hai trang 204 và 205. Đó là một bức ảnh rất hoành tráng chụp một đoàn xe chở quân giải phóng đi giữa rừng người. Những gương mặt trong ảnh đều rạng rỡ, tươi vui. Hàng ngàn cánh tay đang vẫy chào đoàn quân chiến thắng. Bức ảnh đó là của một phóng viên quân đội tăng cường cho Thông tấn xã Việt Nam, người đã từng với phóng viên Đinh Quang Thành rong ruổi trên những chặng đường dài và có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc đặc biệt của ngày 30/4 - phóng viên Hứa Kiểm.

Nhớ về sự kiện lịch sử trọng đại này, phóng viên Hứa Kiểm kể trong xúc động: “Tôi chụp ảnh này buổi sáng 30/4/1975 trên đường từ cầu Sài Gòn đến cầu Thị Nghè. Trước đó, từ rừng cao su Xuân Lộc về căn cứ Nước Trong, chúng tôi nhập với bộ binh cơ giới của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Quân đoàn 2.

Trận Nước Trong cực kỳ ác liệt, đó là một trường sĩ quan tăng thiết giáp, quân địch dùng xe tăng kết hợp với địa hình chống trả ác liệt. Sáng 29/4, quân ta chiếm được Nước Trong, thế là cứ băng băng về Sài Gòn thôi. Để chụp tấm ảnh này, tôi đứng trên thùng một xe tải chụp về phía sau, qua ống kính 35mm của chiếc máy Pentax, tôi thấy những người dân ôm chầm lấy bộ đội, tất cả đều tung hô, vẫy chào, ai cũng kiễng chân để sờ được vào tay các chú bộ đội trên xe. Ông Đinh Quang Thành (PV TTX Việt Nam) nhảy xuống đường chụp ảnh liền bị bà con bế bổng, tung hô ầm ầm. Nhưng không may cho tôi, đến cầu Thị Nghè, một chiếc xe tăng bị cháy làm tắc đường, nên tôi vào Dinh Độc Lập trễ mất ít phút…”.

Hiện giờ, tất cả những tác phẩm ảnh của ông Hứa Kiểm đều được lưu trữ trong tư liệu của TTXVN.

** PV Đậu Ngọc Đản: Điều may mắn lớn trong đời tôi

Cùng chung cảm xúc, nhà báo Đậu Ngọc Đản - nguyên phóng viên chiến trường của Tổng cục Chính trị đã thốt lên: “Đó là điều may mắn lớn của đời tôi” khi nhớ lại những ngày tháng bám cùng các đội quân vượt qua bao gian lao thử thách, lửa đạn để có mặt ở Sài Gòn vào đúng ngày 30/4 lịch sử. Ông tâm sự: “Hồi đó tôi mới 24 tuổi, là phóng viên mang quân hàm Thiếu uý của Tổng cục chính trị. Vào Sài Gòn khi đó có rất nhiều phóng viên báo chí trong và ngoài nước nhưng có người vào muộn, có người vào sau vì nhiều lý do khác nhau.

Sở dĩ tôi có mặt tại Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4/1975 để chứng kiến cảnh Tổng thống Dương Văn Minh bị bắt là bởi tôi có 2 may mắn lớn đó là: Tôi là phóng viên của quân đội, lại được đi theo tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn xe tăng 203, là cánh tiến thẳng vào Sài Gòn. Trong đó, chiếc xe tăng thứ 4 mà tôi được đi cùng là chiếc tiến vào Dinh Độc Lập.

Khi quân giải phóng tiến vào Dinh, tôi cũng đã nhanh tay chụp được bức hình Trung uý Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Khi chụp xong bức hình này, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc làm thế nào đó để nhanh chóng đưa nó về Hà Nội để kịp thời đưa tin đến nhân dân cả nước. Vì thế mà tôi không đến Đài Phát thanh để chứng kiến những gì xảy ra ở đó nữa…

Trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, tôi lại gặp một may mắn nữa khi hình ảnh nữ biệt động thành Trung Kiên (tên thật là Cao Thị Nhíp) được giao nhiệm vụ dẫn đường cho xe tăng của quân đoàn 3 vào Sài Gòn. Đó là một bức ảnh đẹp của tôi và được nhiều người biết đến.

Khi vào Sài Gòn, cảm giác của tôi giống như một cậu học trò ở quê lần đầu ra tỉnh vậy. Đó là một thành phố phồn hoa đô hội nên chúng tôi không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Nhưng với tâm thế của người chiến thắng nên tự nhiên cũng thấy tự tin hơn. Đang tác nghiệp nhưng chính chúng tôi cũng muốn hoà mình vào không khí chiến thắng ấy vì thấy người dân miền Nam ai cũng niềm vui ngập tràn trên khuôn mặt, không khí rộn ràng vô cùng…”

Phóng viên Phạm Kỳ Nhân: Tôi tự hào góp phần nhỏ bé của mình

Vào thời khắc 13h30 ngày 30/4/1975, khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thành Sài Gòn, có một nhà báo Việt Nam và là người duy nhất chộp được bức hình lịch sử đó. Ông là nhà báo Phạm Kỳ Nhân (bút danh Kỳ Nhân), phóng viên của Hãng AP tại Sài Gòn khi đó. Ông nhớ lại:

“Tôi túc trực tại Dinh Độc Lập bắt đầu từ ngày 28/4 vì thấy lúc này tinh thần của chính quyền ngụy đã rệu rã lắm rồi. 10h sáng ngày 30/4, tôi vào Dinh Độc Lập để tiếp tục theo dõi những diễn biến trong nội các của Dương Văn Minh. Cùng có mặt trong Dinh lúc đó với tôi còn có nhà báo Tây Đức Borries Gallasch. Lúc đó, ngoài Dinh một vài lính Lôi Hổ đang tụ tập trong sân, vứt súng, quân phục xuống đất và có những hành động phản đối việc Tổng thống có ý định đầu hàng quân giải phóng. Ở trong Dinh, Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu lúc đó đều không có vẻ buồn của người thua trận. Trái lại, tôi thấy họ rất vui và tâm trạng thì rất bồn chồn chờ quân giải phóng vào để bàn giao chính quyền.

Khi quân giải phóng vào và đưa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng, tôi đã dùng xe riêng của mình để chở các ông Cả và Lâm (họ đều không đeo quân hàm) đến Đài Phát thanh. Lúc đó các nhà báo chỉ có tôi và Borries Gallasch nhưng nhà báo này chỉ ghi âm thôi chứ không chụp hình. Thấy đó là thời khắc quan trọng nên tôi đã chụp rất nhanh bức hình đó và gửi về Hãng AP (…). Rời Đài Phát thanh, tôi hoà vào dòng người của quân giải phóng để tiếp tục tác nghiệp. Trong đời làm phóng viên của mình, bằng những tác phẩm báo chí viết về chiến thắng 30/4 năm đó, tôi vô cùng tự hào vì mình đã đóng góp được một phần nhỏ bé để ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực