|
Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai. Chủ trì và điều hành Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và Hồ An Phong.
Dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo một số liên đoàn, hiệp hội, các tổ chức kinh tế.
Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã Công bố nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 13/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch gồm 7 nội dung chính: Phạm vi quy hoạch; quan điểm phát triển; mục tiêu; định hướng phát triển; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Quy hoạch được xây dựng theo quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh…
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 6 nội dung: phạm vi và đối tượng quy hoạch; quan điểm và mục tiêu; phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Quy hoạch có mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
|
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. |
Phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển mạng lưới, gồm 3 nội dung chính: Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới bảo tàng, thư viện, cơ sở điện ảnh, cơ sở nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa trong nước, trung tâm văn hóa ở nước ngoài, cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên môn ngành văn hóa, nghệ thuật, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Phát triển mạng lưới TDTT quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; phát triển các trụ sở cơ quan văn hóa, thể thao.
Đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với 10 đô thị quan trọng của quốc gia và vùng như Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ…; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Châu Á.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, sau Hội nghị công bố, Bộ VHTTDL đã chuẩn bị nội dung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện 2 Quy hoạch nói trên./.