Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời là nguyện vọng, là mong mỏi, là tâm huyết và quyết tâm nhiều năm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như của các nhà báo, các cộng tác viên và đông đảo công chúng báo chí trên cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Hồ Quang Lợi, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và giới thiệu trong các nội dung trưng bày của mình những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Đồng thời chuyển tải được một cách sinh động, hấp dẫn hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà. Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ tham gia vào đời sống báo chí trong nước, mà còn phải nắm bắt, theo kịp đời sống báo chí các nước; từ đó tạo lập được một diện mạo riêng trên bản đồ bảo tàng Việt Nam và quốc tế...
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tập trung thúc đẩy hơn nữa tiến độ và kết quả thực hiện các dự án thành phần của Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được phê duyệt; vừa tích cực đẩy mạnh hoạt động sưu tầm hiện vật tài liệu, vừa chủ động triển khai công tác tổ chức thiết kế trưng bày, công tác tuyển dụng cán bộ và kiện toàn bộ máy tổ chức..., từ đó nâng cao chất lượng hoạt động. Nỗ lực đầu tư nghiên cứu, hoạch định lộ trình phát triển phù hợp, có định hướng rõ ràng, thiết thực và khoa học, sáng tạo và hiệu quả trong lĩnh vực báo chí cũng như trong công tác bảo tàng. Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện mọi mặt của các cấp, các ngành, cùng các đồng nghiệp, công chúng báo chí trong và ngoài nước.
Công chúng tham quan 152 tập lưu báo và tạp chí gốc
Sau sáu đợt phát động, nhiều tập thể và cá nhân đã hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngay trong buổi lễ, nhiều hiện vật, tài liệu cũng được hiến tặng cho Bảo tàng. Trong đó, đáng lưu ý, có các hiện vật, số báo và tập lưu báo gốc xuất bản từ năm 1945 đến trước năm 1975 như: hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố nhà báo, Tổng biên tập Lục Văn Thao; các tập lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới; chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty in Việt Lập từ Cao Bằng mang xuống tặng với sự hỗ trợ chuyên chở, bảo dưỡng của Nhà in Tạp chí Cộng sản. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã nhận được bộ 04 pho tượng nhà báo liệt sĩ đúc đồng có giá trị do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong thực hiện.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, Ban Tổ chức đã trưng bày giới thiệu với các đại biểu và khách mời 152 tập lưu báo và tạp chí bản gốc và 02 tập lưu báo cắt dán Gia Định báo (gồm 6 quyển) và Hoàng Sa - Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do Nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương (thành phố Hồ Chí Minh) hiến tặng...
Dưới đây là một số hình ảnh về những hiện vật đầu tiên của Bảo tàng Báo chí:
Gia Định báo - tờ báo giấy đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ
Báo Tia Sáng
Sưu tập một số bài báo với chủ đề "Nhà báo Hồ Chí Minh và nhà báo Võ Nguyên Giáp"
Các bài báo về "Cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu"
Báo Giải Phóng Chủ nhật
Báo Thống Nhất
Báo Vệ Quốc quân
Báo Cứu quốc
Những cuốn Tạp chí đầu tiên của giới báo chí