“Cuộc đời và chiến trận”: Tấm họa đồ chân thực về chiến tranh cách mạng

Thứ ba, 14/12/2010 16:32
(ĐCSVN) - Trung tướng Lê Nam Phong khéo chọn cái tên “Cuộc đời và chiến trận” cho cuốn hồi ký của mình. Quả thật cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài tới 56 năm (1944-2000) thì chủ yếu là ở chiến trường, ở đơn vị.

Chống Pháp, ông ở Đại đoàn Quân tiên phong – Binh đoàn chủ lực đầu tiên của Việt Nam. Ông đã tham gia các chiến dịch lớn: Biên giới, Hòa Bình, Hà Nam Ninh v.v… Đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông là “Đại đội trưởng đầu trọc” của đại đội 225 “trọc đầu”. 100% quân số gọt trọc để biểu thị quyết tâm chiến đấu và cũng để tiện cho cuộc sống “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông là chỉ huy cấp trung đoàn rồi sư đoàn chủ lực Quân giải phóng. Đơn vị ông từng lập nên chiến công vang dội như trận Bầu Bàng, Bông Trang-Nhà Đỏ, Dầu Tiếng, chốt chặn đường 13 v.v… Mùa xuân 1975, Sư đoàn 7 (trong đội hình Quân đoàn 4) đã giải phóng Phước Long, quét địch ngược đường 13 tới giáp Đà Lạt rồi quay xuống cùng các đơn vị bạn đánh Xuân Lộc và cuối cùng tiến về tham gia giải phóng Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, thay mặt đơn vị, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” từ tay Quân đoàn trưởng Hoàng Cầm với nhiệm vụ thần tốc tiến về dinh Độc Lập sớm nhất. Nhưng quân địch ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa… đã chống trả dữ dội khiến Sư đoàn 7 chậm bước...

Đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ giúp bạn Cam-pu-chia, đại tá Lê Nam Phong là Tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Khi biên giới phía Bắc nóng bỏng, cấp trên điều ông ra làm Tư lệnh Quân đoàn 1. Sau đó ông Nam Phong sang làm Tham mưu phó thứ nhất Mặt trận 719 của Quân tình nguyện Việt Nam ở đất nước Chùa Tháp cho đến mùa đông 1987 mới về làm Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 2.

Năm 1960, Trung tá Lê Nam Phong từ trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) về, được phân công công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, nhưng chỉ một thời gian ngắn là ông đi Nam. Vào B2, Bộ Tư lệnh Miền giữ ông ở cơ quan Tham mưu, ông xin Trung tướng, Tư lệnh Trần Văn Trà xuống đơn vị.

Cuộc đời của Trung tướng Lê Nam Phong là cuộc đời chiến trận, nhưng trong cuốn hồi ký của mình, ông không kể tỷ mỷ diễn biến của các trận đánh. Ông chọn những chi tiết “đắt” nhất của các chiến dịch, các trận chiến đấu và coi đó là cơ hội để nói về những đồng đội của ông; đồng thời nói sâu, nói kỹ về những suy nghĩ và tình cảm của mình trước những tấm gương tuyệt vời dũng cảm và những hy sinh mất mát đau lòng. Những lúc như thế, trái tim ông rất nhạy cảm. Theo ông, bây giờ viết về chiến tranh, người cầm bút nên tái hiện một cách trung thực đúng như nó vốn có. Ông lên án những kẻ “bắn vào quá khứ”, phủ nhận ý nghĩa vĩ đại chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu vì độc tự do và thống nhất đất nước. Mặt khác, ông cũng phản đối cách viết một chiều, đơn giản hóa cuộc chiến mà dân tộc đã trải qua.

Chính với quan niệm như trên mà ông Tướng trận mạc Lê Nam Phong không né tránh những điều gai góc. Trong “Cuộc đời và chiến trận” không chỉ có những trận thắng mà còn có những trận “hòa”, thậm chí có những trận… “thua”. Ông cho rằng, cả quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn đều được huấn luyện bài bản, chỉ huy được đào tạo kỹ càng và đặc biệt sức mạnh vật chất của Mỹ rất ghê gớm. Vì vậy, cuộc chiến giữa ta với Mỹ-Ngụy là cuộc chiến cực kỳ tàn khốc. “Hạ thấp kẻ thù là tự hạ thấp mình” – ông nói vậy. Chính do những quan niệm khoa học về chiến tranh này mà cuốn “Cuộc đời và chiến trận” mang lại hơi thở của cuộc sống thật thời trận mạc hết sức cam go. Trong sách của ông, cán bộ, chiến sỹ hiện lên sống động bằng xương bằng thịt. Và ông đối với anh em cũng gần gũi, chân tình như cuộc sống đời thường giữa con người với con người. Chính những chi tiết đơn giản, bình dị như củ khoai, củ sắn nhưng lại đắt giá làm nên sự lạ và hấp dẫn. Gấp cuốn sách lại, người đọc không thể quên “Thông hiệu viên” tên là Khải trong trận Tu Vũ, bị thương nặng vẫn thổi kèn xung phong, máu từ lỗ thủng ở má phun ra theo tiếng kèn đồng. Một Vũ Bầu chỉ huy chiến đấu giỏi nhưng về quê lại quá nghèo. Một ông Quân đoàn trưởng đa cảm, phải khóc vì đồng đội chịu lắm thiệt thòi thời hậu chiến. Và giữa mùa đông giá lạnh của miền Bắc, anh Năm-lửa đã trút bộ quân phục cho bạn, mặc quần đùi áo may ô, khoác áo mưa ra ngoài, chạy thẳng một mạch về đơn vị cách gần trăm cây số.

Cuối năm 1987, Trung tướng Lê Nam Phong về Trường Sỹ quan Lục quân 2 đóng ở căn cứ Nước Trong tỉnh Đồng Nai. Ông muốn có thời gian tổng kết cuộc đời binh nghiệp và trực tiếp truyền cho thế hệ tương lai.

Năm 2000, Trung tướng Lê Nam Phong nghỉ hưu ở tuổi 70. Nhờ chịu khó rèn luyện và sống tươi vui, thanh thản nên ông rất khỏe, tham gia nhiều hoạt động xã hội. Vợ ông, bà Võ Thị Hồng Mai là chỗ dựa vững chắc của Trung tướng, trước kia luôn khuyến khích chồng làm tròn trọng trách của một quân nhân, bây giờ cũng phải phàn nàn: “Ông già rồi, đã nghỉ hưu, sao còn đi nhiều thế?”. Do chỗ ông là nhân chứng lịch sử, lại là “Tướng”, vẫn còn tỉnh táo và khỏe mạnh nên các đơn vị, các địa phương hay mời đi dự khởi công xây dựng hay khánh thành các tượng đài lịch sử hoặc tham dự những cuộc hội thảo khoa học.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực