Đa dạng các hoạt động văn hóa dịp Tết Nguyên đán

Thứ hai, 06/01/2020 17:05
(ĐCSVN) - Đón chào Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ được tổ chức tại các di tích, các điểm vui chơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, làng nghề xây dựng chương trình Tết Việt 2020 với chủ đề “Nét bút ngày Xuân”.

Chương trình bắt đầu từ ngày 17/1 (tức 23 tháng Chạp Kỷ Hợi) với lễ ông Công, ông Táo, mở ra chuỗi hoạt động trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ, cùng nhiều nghi thức truyền thống, như: Lễ dựng cây nêu; lễ dâng hương khai xuân… Công chúng và du khách sẽ được trải nghiệm không gian chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian: Viết câu đối, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he, thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc.

Điểm nhấn của không gian Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long chính là không gian trưng bày nhà Nho với văn phòng tứ bảo “giấy, mực, bút, nghiên” cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, thịnh vượng trong năm mới.

Không gian sắp đặt ngoài trời được thể hiện một cách biến hóa, bay bổng bằng nhiều cụm trang trí nổi bật với nón, đèn lồng, chong chóng, câu đối và chữ viết. Không gian vui chơi cho trẻ em tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống qua các câu chuyện Tết ở Hoàng cung gắn với phong tục khai bút, xin chữ. Cũng tại đây, công chúng và du khách được trải nghiệm nghệ thuật viết thư pháp, học gói bánh chưng, làm bưu thiếp, hoa giấy…

Ngoài ra, tại khu vực điện Kính Thiên còn tổ chức trưng bày hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng - vương triều, uy quyền” nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, giới thiệu khái quát về các triều đại phong kiến nối tiếp nhau, tạo nên một kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử.


Đa dạng các hoạt động văn hóa dịp Tết Nguyên đán 

Đặc biệt, trong dịp Xuân năm nay, không gian Hoàng thành Thăng Long cũng được tổ chức nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Cụ thể, khu vực Đoan Môn sẽ thêm phần nổi bật với cụm trang trí từ hoa xác pháo, hoa hướng dương, hoa cúc... Khu vực điện Kính Thiên được trang trí bằng các loại cây ăn quả và nhiều loài hoa thể hiện vẻ quyền quý, như: Lan, trà, mẫu đơn, hồng cổ… Khu vực Hậu Lâu tạo cảnh vườn hoa xuân đa sắc với đào, mai, hồng…

Các hoạt động tại chương trình Tết Việt “Nét bút ngày Xuân” nhằm tiếp tục giới thiệu các kết quả nghiên cứu, tái hiện nghi thức truyền thống trong cung đình và dân gian dịp Tết Nguyên đán tại Hoàng thành Thăng Long, góp phần phát huy các giá trị di sản tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, giúp du khách tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công chúng sẽ được tham gia Chương trình vui xuân Canh Tý, với chủ đề “Sắc thái văn hóa Thái Bình”. Chương trình sẽ diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29/1/2020 (tức mùng 4, mùng 5 tháng Giêng Âm lịch), mang đến cho công chúng và du khách cơ hội tìm hiểu và khám phá những giá trị văn hóa của tỉnh Thái Bình, thông qua các hoạt động hấp dẫn, như: Trình diễn chèo cổ Thái Bình, múa ông Đùng bà Đà, trình diễn nghề tứ dân, múa rối nước, thực hành chế biến ẩm thực dân gian bánh cáy, bánh dày lá ré...

Bên cạnh không gian đậm sắc màu văn hóa Thái Bình, chương trình còn có các hoạt động vui tết dân tộc, như: Trình diễn múa tứ linh, viết thư pháp, in tranh tết Đông Hồ, đốt pháo hoa mừng năm mới, trải nghiệm trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa đón Tết của một số dân tộc thiểu số...

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tổ chức Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 từ ngày 18/1 đến 5/2/2020 (tức từ 24 tháng Chạp Kỷ Hợi đến 12 tháng Giêng Canh Tý).

Bên cạnh hoạt động cho chữ ngày xuân, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 còn có các không gian tôn vinh, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian quan họ, ca trù, hát xẩm, chầu văn..., thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm trò chơi truyền thống bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co… Là hoạt động thường niên, Hội chữ Xuân tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành sự kiện văn hóa không thể thiếu khi Tết đến, Xuân về ở Thủ đô Hà Nội, góp phần khơi dậy, lan tỏa nét đẹp văn hóa, nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ, người xin chữ và công chúng Thủ đô.

Hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm lan tỏa các giá trị truyền thống trong cộng đồng, quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam và Hà Nội tới bạn bè quốc tế, trong ngày 18/1/2020, Câu lạc bộ Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý phố cổ tổ chức chương trình Tết Việt 2020 tại nhiều điểm di tích lịch sử, giao lưu văn hóa khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Nghi lễ quan trọng nhất của sự kiện sẽ là Lễ dựng nêu tại vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, trước cổng đền Ngọc Sơn. Cùng với đó là các hoạt động diễn xướng dân gian như: Múa sư tử - nghê thời Lý; múa, hát cửa đình; múa bồng; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền. Tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) sẽ diễn ra các hoạt động lễ dâng thành hoàng, hát cửa đình - hát thờ thành hoàng; trưng bày tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ; trưng bày đầu tượng sư tử - nghê, lấy mẫu từ đầu tượng sư tử - nghê, thời Lý, chùa Bà Tấm, Gia Lâm (Hà Nội).

Các nghi lễ gói, luộc bánh chưng, nghi lễ cúng Tất niên của gia đình Hà Nội sẽ được thực hiện tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây). Tại đây, du khách sẽ được cảm nhận không gian Tết của một gia đình Hà Nội xưa với mâm cỗ Tất niên, cảnh quây quần bên nồi bánh chưng, thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của hà thành, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật dân gian hàng Trống, xin chữ...

Nhằm giới thiệu không khí đón xuân cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, giúp du khách thêm hiểu những nét văn hóa, truyền thống của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam, trong tháng 1/2020, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chuỗi sự kiện mang chủ đề “Xuân vùng cao”.

Chuỗi sự kiện “Xuân vùng cao” với điểm nhấn là lễ giải hạn đầu năm; nghi thức “Lẩu Then” và khúc hát ngày xuân... hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... Cũng trong sự kiện, du khách được trải nghiệm hoạt động trang trí, đón Tết tại các làng dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Xơ Đăng...

Với sự tham gia của hơn 100 đồng bào thuộc 15 dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú..., chuỗi sự kiện tháng 1/2020 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam kỳ vọng mang đến những giây phút trải nghiệm văn hóa truyền thống dân tộc ý nghĩa; đồng thời, gắn kết, nêu cao ý thức gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc./.

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực