Đặc sắc bánh chưng gù của dân tộc Tày ở Tuyên Quang

Thứ ba, 12/12/2023 10:46
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bánh chưng gù là một đặc sản của người dân tộc Tày ở Tuyên Quang, trước đây bánh chỉ được làm vào dịp tết. Tuy nhiên, hiện nay đã được gói quanh năm để bán như một thứ quà cho khách du lịch.
 
 
Bánh chưng gù xanh  (Ảnh: sưu tầm) 

Bánh chưng gù của người Tày có hai loại: Bánh chưng gù xanh và bánh chưng gù đen. Bánh vẫn được gói bằng lá dong, nguyên liệu từ gạo nếp nương, đỗ xanh nấu nhuyễn, thịt lợn ba chỉ nhưng bánh chưng gù xanh và đen còn khác nhau ở màu sắc.

Để tạo nên chiếc bánh chưng gù vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon thì cần trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu phải thật kĩ càng: Gạo để gói bánh là gạo nếp nương hạt tròn mẩy, được ngâm với nước lá nghệ để có màu xanh đặc trưng. Đậu xanh hạt nhỏ ngâm nước cho nở ra, đãi vỏ thật sạch. Thịt lợn được chọn làm nhân bánh phải là thịt lợn đen địa phương đem ướp với tiêu xay và những gia vị truyền thống đặc trưng của người Tày.

Đặc biệt là lá dong được trồng tại rừng nên khi luộc xong bánh có mùi thơm rất đặc trưng của vùng núi, mở ra thấy miếng bánh xanh mướt.

Còn để làm bánh chưng gù có màu đen, người dân đốt thân cây muối rừng thành tro, vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm. Nhân bánh gồm: thịt ba chỉ lợn thả đồi thái mỏng ướp với muối cùng tiêu giã nhỏ, đỗ xanh, lá dong rừng tươi. người Tày lấy cây vừng thơm trên rừng về phơi khô rồi đem đốt thành tro.

Bánh chưng gù có cách gói khác với bánh chưng vuông truyền thống. Người gói rải các nguyên liệu dọc theo chiều dài của lá dong, khi cuộn lại thì uốn hai đầu của lá để tạo nên đường cong ở giữa, tạo thành dáng gù của bánh chưng. Bánh chưng gù thường dễ bóc hơn, do đó loại bánh này thường được người Tày gói nhiều hơn bánh chưng vuông.

Bánh sau khi làm xong được luộc bằng bếp củi truyền thống không dùng bếp điện, có như vậy mới giữ được nguyên vẹn mùi vị của bánh chưng gù truyền thống của người Tày.

Theo người địa phương, bánh chưng gù ngon phải được luộc thật rền, ăn một miếng sẽ cảm nhận được hết hương vị của thịt lợn ướp thơm, đậu xanh nấu nhừ hòa quyện với gạo nếp nương dẻo bùi, vị đậm đà, dai, giòn của thịt lợn đen địa phương. Bánh chưng gù là sản phẩm không chỉ từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày mà còn là kết tinh của thiên nhiên non cao trong từng chiếc bánh.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực