Đào tạo truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện

Chủ nhật, 23/09/2018 19:42
(ĐCSVN) – Trong 2 ngày từ 22-23/9, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo “Nhu cầu và kinh nghiệm đào tạo truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện”. Hội thảo nhằm nghiên cứu và tìm hiểu về nhu cầu cũng như kinh nghiệm đào tạo ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Với tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, nền báo chí Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi bao gồm việc tạo ra cuộc cách mạng và sự khuếch tán công nghệ trong nền báo chí, làm xuất hiện các chiều hướng phát triển khác nhau của lĩnh vực thông tin – truyền thông ở mỗi khu vực, quốc gia và địa phương. Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng xã hội đã tác động tới nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.

Ban tổ chức chủ trì Hội thảo. (Ảnh:KS)

Nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng biên tập Phụ trách, Tổng đại diện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương- Tạp chí Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế cho rằng: Trước xu thế phát triển báo chí truyền thông hiện đại, báo chí truyền thông đa phương tiện đã và đang khẳng định được vai trò của mình. Điều này đòi hỏi một nhà báo, một phóng viên, một chuyên gia truyền thông cần phải là người làm được nhiều việc, thông thạo nhiều ngôn ngữ, không chỉ viết cho báo in, mà còn làm được báo phát thanh và truyền hình. Mỗi cơ quan báo chí cần phải đào tạo các kỹ năng sản xuất ra các sản phẩm báo chí truyền thông như: tin tức, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, ý kiến, phỏng vấn và các bài viết về phong cách cuộc sống, phim tài liệu phát thanh truyền hình, phóng sự chuyên đề. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông cần tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, chuẩn bị điều kiện để triển khai các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, các chương trình chất lượng cao, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực truyền thông chất lượng cao có khả năng tác nghiệp trong môi trường truyền thông quốc tế đang biến đổi, hội nhập toàn cầu. Còn theo PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Hội thảo lần này là dịp để các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà báo cùng nhìn nhận những xu thế của truyền thông thế giới, từ đó đưa ra những vấn đề đặt ra với quá trình đào tạo báo chí – truyền thông Việt Nam hiện nay.


Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. (Ảnh: KS)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 5 vấn đề trọng tâm của truyền thông hiện đại. Một là, dự báo xu thế phát triển của ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, xu thế phát triển của các loại hình sản phẩm, phương tiện truyền thông mới. Hai là, nhận diện và phân tích thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực truyền thông, những vị trí việc làm tham gia sáng tạo, tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện; nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động phát triển, ứng dụng truyền thông sáng tạo, truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam hiện nay. Ba là, thảo luận về thực trạng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện ở cơ quan báo chí, các bộ ngành, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Bốn là, kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực hai ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan báo chí, các tổ chức, các doanh nghiệp truyền thông và các cơ sở đào tạo ngành báo chí truyền thông trong và ngoài nước. Năm là, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hai ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông chất lượng cao cho đất nước.

Sau 2 ngày diễn ra, tham luận của các nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức đều thể hiện nhiều quan điểm và hướng tiếp cận mới, nhiều ý kiến gợi mở để cùng thảo luận, phản biện và tranh biện, nhằm rút ra kết luận về thực trạng, xu thế phát triển, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng hiện nay./.
Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực