Đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa tương xứng

Thứ tư, 17/01/2024 16:36
(ĐCSVN) - Đó là nhận xét chung của hầu hết các đại biểu tham gia Tọa đàm tham vấn chuyên gia về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, du lịch qua 40 năm đổi mới vừa được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tại Hà Nội.
 Quang cảnh buổi Tọa đàm. (Nguồn ảnh: Bộ VH-TT&DL)

Qua thảo luận, các chuyên gia đều cho rằng, qua 40 năm Đổi mới, Đảng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về bản chất, ý nghĩa, vai trò, những vấn đề cơ bản, có tính chất nguyên tắc về văn hóa, và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cách mạng, Đảng đã chỉ ra rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ nhận thức ấy, Đảng chủ trương: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Đánh giá chung về kết quả đạt được trong xây dựng thể chế, ban hành các chính sách trong lĩnh vực văn hóa, các đại biểu cho rằng, trong 40 năm đổi mới, Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể chế hóa các quan điểm của Đảng về văn hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng qua các giai đoạn phát triển của đất nước.

Để cụ thể hóa các chế định về văn hóa trong các bản Hiến pháp, trong 40 năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hơn 200 Luật, Pháp lệnh, trong đó có nhiều văn bản liên quan xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, quy định các chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng môi trường văn hóa, giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa; gắn kết văn hóa với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, xây dựng con người mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, tạo nên những động lực và sức hấp dẫn mới trong đời sống tinh thần xã hội. Đặc biệt trong 10 năm gần đây (từ 2014 đến nay), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Luật, Nghị quyết điều chỉnh trực tiếp và gián tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 33 xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Về lĩnh vực du lịch, các đại biểu cho rằng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngành du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ngày càng nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cùng với sự đổi mới của đất nước, ngành du lịch thời gian qua đã vươn lên mạnh mẽ, có những bước tiến nhanh, vững chắc, về cả quy mô và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Trong 40 năm đổi mới, việc xây dựng thể chế, ban hành chính sách để phát triển du lịch ngày càng được quan tâm hoàn thiện. Từ Hiến pháp năm 1992, Pháp lệnh Du lịch năm 1999 đến Luật Du lịch năm 2005, sửa đổi năm 2017, cùng với đó là hệ thống chính sách liên quan được ban hành đã tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi để du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình hội nhập của đất nước.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, đầu tư cho văn hóa ở cả Trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn kém phát triển và trong tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp.

Còn đối với lĩnh vực du lịch, các đại biểu cho rằng, hiện nay, ngành du lịch từng bước phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID -19, đạt kết quả ghi nhận; tăng trưởng cả về lượng khách và doanh thu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch. Sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu nhiều tác động bởi diễn biến tình hình thế giới.

Theo các đại biểu, việc đánh giá tổng kết việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành các chính sách để phát triển văn hóa và du lịch qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam là rất quan trọng. Bởi thực tiễn thay đổi rất nhanh, vì thế chính sách, pháp luật cần phải được tổng kết, đánh giá và định hướng mới xuất phát từ thực tiễn để đảm bảo được tính khả thi, đi ngay vào cuộc sống.

Để hoàn thiện về nội dung, các đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn bước phát triển lý luận về phát triển văn hóa, du lịch; đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn quá trình thực hiện các quy định pháp luật, các nội dung về chính sách đầu tư, huy động nguồn lực tài chính, các mặt hạn chế, giải pháp trong thời gian tới…/.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực