Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký hồ sơ theo quy định. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2020.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công truyền thống ra đời cách đây hàng trăm năm. Nhắc tới tranh dân gian Đồng Hồ, nhiều người vẫn nhớ tới những bức tranh nổi tiếng như: Vinh hoa, Mục đồng thổi sáo, Đại cát, Đám cưới chuột, Đánh ghen… Trước đây, vào dịp Tết, những bức tranh dân gian Đông Hồ được người dân ở nhiều địa phương mua về treo trang trí trong nhà, qua đó để dăn dạy hay kể cho con cháu những câu chuyện về nhân nghĩa, về yêu thương.
|
Đệ trình UNESCO ghi danh "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" trước ngày 31/3. (Ảnh minh họa: Báo An ninh Thủ đô) |
Các nghệ nhân làng tranh dân gian Ðông Hồ dùng ván để in, vì thế, tranh được in hoàn toàn thủ công với các bản màu, mỗi màu dùng một bản, tờ tranh có bao nhiêu màu in bấy nhiêu lần ván in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo như vậy đòi hỏi phải có người vẽ mẫu trước. Những người vẽ mẫu và người chế tác bản khắc đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đức tính tỉ mỉ và đặc biệt phải có trình độ kĩ thuật cao.
Người làng Đông Hồ coi nghề làm tranh là một kế sinh nhai, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, tập quán xã hội, được trao truyền từ đời này qua đời khác.
Do đời sống đổi thay, tranh và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một, không còn nhiều gia đình giữ nghề cũ, trong đó những người có khả năng truyền dạy đều đã cao tuổi. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm khôi phục, phát huy di sản nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trong cộng đồng, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng thông qua đề xuất trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.