Đền thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu trên đất Tổ

Thứ ba, 20/04/2021 16:23
(ĐCSVN) - Ngôi đền cổ kính tọa lạc trên một vùng đất rộng, bằng phẳng, xa xa là dòng sông Hồng cuộn chảy, từ lâu là điểm đến tâm linh nơi cội nguồn đất Việt. Đó là đền Tiên, nơi phụng thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu của dân tộc Việt Nam.
leftcenterrightdel
 Đền Tiên là biểu tượng thiêng liêng nơi cội nguồn đất Việt.

Đền Tiên tọa lạc trên vùng đất Tiên Cát (Việt Trì - Phú Thọ), nơi đây phụng thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu của Việt Nam. Sử sách và huyền tích truyền lại, ngôi đền thờ Hoàng hậu của Vua Kinh Dương Vương, người mẹ sinh thành, dưỡng dục Quốc Tổ Lạc Long Quân, bà nội của các Vua Hùng. Bởi vậy, nơi đây, ngôi đền cổ kính từ lâu, cùng với đền Lăng Sương (Thanh Thủy - Phú Thọ, nơi thờ người sinh thành ra Quốc Mẫu Âu Cơ) trong tâm khảm của người dân đất Việt là nơi Thủy Tổ cội nguồn, là điểm đến tâm linh trong mỗi chuyến hành hương trở về đất Tổ.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, khi đi thuyền tới hồ Động Đình, Vua Kinh Dương Vương bặp một người con gái xin đẹp tuyệt trần, tự xưng là Thần Long, con gái Động Đình Quân. Vua cho rằng đây là duyên trời se liền đón nàng vào thuyền rồng đưa về Phong Châu. Một năm sau Ngọc Nữ Thần Long sinh được Lạc Long Quân, nên đã được vua Kinh Dương Vương phong làm Hoàng hậu, lập Tiên Cát Cung (Tiên Cát, Việt Trì ngày nay) để ngự. Người là Thủy Tổ Quốc Mẫu của dân tộc Việt Nam.

Sau khi Lạc Long Quân được vua cha truyền ngôi, Mẫu Thần Long cho rằng mình đã làm tròn mẫu phận nên đã hóa về trời. Lạc Long Quân tưởng nhớ công ơn của mẹ, truyền cho dân lập đền thờ ngay tại cung Tiên Cát để thờ Ngọc Nữ Thần Long cùng Thủy Tinh Ngọc Nữ và Bạch Hoa Ngọc Nữ; sai ba vị hoàng tử trong bọc trăm trứng là Cự Linh Thần Tướng, Ất Linh Lang và Linh Thông Thủy cai quản đầu sông và gìn giữ đền miếu; giao cho nhân dân nơi đây trông coi, hương khói. Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn sau này đều sắc phong để nhân dân hương hỏa, phụng thờ. Sắc phong Tự Đức năm 33 (1880) có ghi: “Sắc ban cho xã Tiên Cát, huyện Phù Ninh, tỉnh Sơn Tây, từ trước đến nay thờ phụng vị thần: Thục Diệu Đệ Nhất Ngọc Tinh Phu Nhân; Thục Diệu Đệ Nhị Thủy Tinh Phu Nhân; Thục Diệu Đệ Tam Bạch Hoa Phu Nhân. Trải qua các tiết đã sắc phong cho phép phụng thờ...”

leftcenterrightdel
Đền Tiên là điểm đến tâm linh trong hành trình về cội nguồn.

Ngôi đền tọa lạc ở vị trí tựa lưng vào núi, phía trước là nơi tụ thủy. Nơi đây là ngã ba sông, điểm hội tụ của ba dòng sông là sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Năm 2003, đền Tiên được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội đền Tiên được tổ chức vào hai dịp trong năm là ngày sinh 5/5 âm lịch và ngày hóa 10-10 âm lịch của Quốc Mẫu. Xưa kia, ngày giỗ của Mẫu được coi là quốc lễ.

Qua cổng tam quan và cây si cổ thụ là không gian ngôi đền cổ kính, trầm mặc ghi dấu thời gian. Phía sau cổng tam quan là ba trụ đá to được đặt ở chính giữa sân đền biểu tượng cho sự vững chãi, gắn kết, bền vững. Hai bên là Lầu Chuông và Lầu Trống, Tả Hữu Mạc. Đền Tiên tọa lạc ở chính giữa, được xây theo kiểu kiến trúc chữ đinh, lợp ngói mũi hài tạo nên sắc màu vừa cổ kính vừa tinh xảo. Hai bên mái có rồng chầu trống đồng. Đây là nét độc đáo, riêng biệt chỉ có ở đền Tiên. Đỉnh mái đền là biểu tượng trống đồng, nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Bước vào không gian bên trong đền Tiên, du khách sẽ cảm nhận được những nét văn hóa hiện diện trên những hoa văn trống đồng, hoành phi, câu đối, sắc phong. Sau ban Tiền Tế là Ban thờ chính giữa Hậu cung có tượng Thủy Tổ Quốc Mẫu uy nghi, khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, thông thái, trang phục, cách vấn tóc của Quốc Mẫu mang đậm kiểu dáng thời Hùng Vương. Hai bên Quốc Mẫu là tượng thờ Thủy Tinh Công chúa và Bạch Hoa Công Chúa, ban dưới thờ tượng của Cự Linh, Ất Linh, Thông Thủy. Tất cả các pho tượng đều được tạo tác mang dáng vẻ ung dung, đạo mạo, ngời lên ý chí và sức mạnh của con người thời Hùng Vương. Phía sau tượng thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu là bức phù điêu được thiết kế rộng, toàn cảnh là một bức tranh sơn thủy hữu tình, mô tả cảnh làng quê Việt với cảnh lao động săn bắn, hái lượm, nhà sàn sum vầy, no ấm.

Về thăm đền Tiên trên vùng đất Tổ, mỗi người dân đất Việt được tìm về cội nguồn của dân tộc mình, để từ đó nhân lên niềm tự hào, sự tri ân công đức của tiên tổ./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực