Ngày 22/5, tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo. (Ảnh: HH)
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đồng chủ trì.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tập trung làm rõ nhiều nội dung liên quan tới bản Di chúc lịch sử.
Các tham luận được trình bày tại Hội thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề rất sâu sắc, phong phú, giàu tính gợi mở, tập trung vào những nội dung sau: Làm rõ hoàn cảnh ra đời và quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, cũng như quá trình công bố và xuất bản tài liệu này của Người; phân tích những nội dung cơ bản của Di chúc Hồ Chí Minh và đưa ra những nhận định sâu sắc về giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua và hướng đi cho tương lai.
Các tham luận tại Hội thảo nêu rõ, tư tưởng của Người trong Di chúc là định hướng cơ bản, quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả hôm nay và mai sau, vì mục tiêu đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, bao quát toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Các tham luận đã khẳng định những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong thực hiện những lời căn dặn của Người suốt 50 năm qua. Nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực đã được các tham luận phân tích rất sâu sắc, phong phú, như về tăng cường xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp đổi mới; rèn luyện đạo đức, phong cách, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên hiện nay; vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn; chính sách đối với người có công với cách mạng, thương bệnh binh, cựu thanh niên xung phong; phát triển kinh tế và văn hóa; xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, về “quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Theo các đại biểu dự Hội thảo, Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.
Di chúc là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Bác đi xa. Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình thật là ung dung và thanh thản “để sẵn mấy lời” cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi thấy đột ngột. Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng... hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu.
Mấy lời để lại của Bác là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc chung của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân, vì nước, vì Đảng cho nên hầu như không có lúc nào nghĩ đến bản thân mình. Trước lúc đi xa Bác “không có điều gì phải hối hận” vì Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết lòng. Bình sinh cho đến trọn đời, Bác đã không làm bất cứ điều gì để phải ân hận, hối tiếc. Bác chẳng tiếc gì cho bản thân mình, hy sinh tất cả cho dân, cho nước. Chỉ riêng có một điều tiếc duy nhất - một điều thật cơ bản, đáng nói hơn cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho nhân dân, đất nước. Lời cuối cùng trong bản Di chúc “Bác để lại muôn vàn tình thương yêu” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng...
Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: HH)
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm tiếp tục thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Việc tổ chức Hội thảo: “Di chúc của Hồ Chí Minh: Ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng cho cách mạng Việt Nam” còn nhằm mục đích để mỗi người chúng ta được đọc lại, nghiên cứu và hiểu sâu hơn nữa những nội dung cơ bản, ý nghĩa và giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó xây dựng, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ và thực hiện công việc hằng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Những tham luận tại Hội thảo đã khẳng định rằng, dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta trong Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai. Năm mươi năm từ ngày bản Di chúc được công bố đến nay, những giá trị định hướng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vẫn còn mang tính thời sự, cấp bách. Những giá trị nhân văn cao cả được chứa đựng trong tư tưởng, đạo đức, Di chúc Hồ Chí Minh vẫn luôn là ngọn cờ quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh và kết nối tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới./.