“Diễn trình lịch sử Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam (giai đoạn thế kỷ X - XIV)”

Thứ hai, 16/09/2024 11:58
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngày 16/9/2024, tại TP Hải Phòng, Công ty CP Viện Phong thủy Khoa học Toàn cầu (thuộc Công ty CP Xherozone) tổ chức Hội thảo: “Diễn trình lịch sử Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam giai đoạn thế kỷ X - XIV” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

Trên đất nước Việt Nam, với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ cha ông đã để lại cho chúng ta những di sản lịch sử Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật vô cùng quý báu. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, truyền thống văn hoá dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh của toàn dân tộc, nguyên nhân của thành công trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng và phát triển đất nước.

Từ nhận thức trên, nhằm mục đích gìn giữ, phát huy, tôn vinh những di sản văn hoá truyền thống của dân tộc, Công ty CP Viện Phong thủy Khoa học Toàn cầu thuộc Công ty CP Xherozone đã xây dựng và triển khai Dự án “Dòng chảy thời gian”. Đây là một việc làm thiết thực trong quá trình tìm lại các dấu tích lịch sử, tiến hành sắp xếp, hệ thống hoá những di sản văn hoá vật chất và tinh thần, thông qua các di sản Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật của các triều đại phong kiến Việt Nam. Hội thảo: “Diễn trình lịch sử Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam (giai đoạn thế kỷ X - XIV)” chính là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học của Dự án.

Các đại biểu tham dự hội thảo 

Các đại biểu đã nghe nhiều tham luận và báo cáo chuyên đề, tiếp cận chủ đề của hội thảo từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như sự du nhập tôn giáo, biểu hiện của tôn giáo qua loại hình kiến trúc, các trường phái kiến trúc, mỹ thuật kiến trúc, phong thuỷ, trùng tu di tích đối với công trình kiến trúc cung đình, công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, đồ thờ, từ đường, lăng mộ… Tiêu biểu như các tham luận: "Tìm hiểu việc thờ tiền nhân của họ tộc từ thời Ngô đến thời Trần" qua một số di tích tại Hải Phòng" của TS Nguyễn Đình Chính, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thành phố Hải Phòng. “Chùa tháp Phật giáo Ninh Bình thời Trần tiếp cận từ phong thuỷ” của PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. “Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Đặc trưng kiến trúc, cảnh quan trong tổng thể khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình” của TS. Tạ Hoàng Vân, Phó Giám đốc Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng). “Dấu ấn văn hoá Ấn độ trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tại một số di tích tôn giáo ở Việt Nam Thế kỷ X-XIV” của TS Nguyễn Ngọc Quỳnh,  Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ấn Độ, Viện Hàn lâm KHXHVN, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban TW MTTQVN. “Nhận diện quy hoạch thành Thăng Long thời Lý qua hình thế luận” của TS Đinh Thế Anh, Khoa Kiến trúc Đô thị và Khoa học Bền vững, Trường Đại học Liên ngành và Nghệ thuật. “Lăng tẩm thời Trần - tiếp cận từ Khảo cổ học kiến trúc” của TS. Nguyễn Văn Anh, Bộ môn Khảo cổ học - Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV… Nhìn chung, các tham luận đều tập trung phản ánh các vấn đề liên quan đến “Diễn trình lịch sử Văn hoá - Kiến trúc - Phong thuỷ - Mỹ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam (giai đoạn thế kỷ X - XIV)” đúng như chủ đề của Hội thảo.

Theo Ban tổ chức, thông qua các tham luận của hội thảo lần này, cũng như tham luận của một số hội thảo sẽ được tổ chức tiếp theo, Ban tổ chức sẽ có được cơ hội tiếp thu và cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất của giới chuyên môn, của các nhà nghiên cứu, qua đó nghiên cứu, xem xét, tổng kết và bổ sung các ý kiến được lựa chọn, nhằm làm cho việc triển khai Dự án Dòng chảy thời gian trở nên hoàn thiện hơn. Qua đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn tồn tại hiện nay trong công tác phục dựng, phục chế, trùng tu và xây mới các công trình kiến trúc truyền thống ở nước ta, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của dân tộc./.

Đào Nguyên Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực