Độc đáo nghề dệt zèng trong đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới

Thứ tư, 01/02/2017 21:58
(ĐCSVN) – Cứ mỗi độ xuân về, đồng bào Tà Ôi nói riêng và một số tộc người thiểu số khác ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế) trước đó từ nhiều tháng đã tất bật với nghề dệt zèng truyền thống. Dệt zèng vừa là hoạt động văn hoá nhưng đồng thời cũng là hoạt động kinh tế của đồng bào hiện nay.

Thiếu nữ Tà Ôi dệt zèng làm của hồi môn trước khi về nhà chồng

Theo các tài liệu nghiên cứu và thực tế qua tìm hiểu tại huyện miền núi A Lưới, chúng tôi được biết, nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi nói riêng và các đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới nói chung đã có từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng. Bởi khi người con gái lớn lên đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại.

Theo nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, Phó phòng Văn hoá huyện A Lưới: Con gái lớn đến tuổi lấy chồng, khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo zèng như của hồi môn. Tùy theo hoàn cảnh của gia đình mà quy định số zèng mang theo; nhà nghèo thì tầm 30 - 40 tấm zèng, nhà giàu có thể lên đến 90 - 100 tấm. Zèng được nhà gái đưa đến cho nhà trai trong ngày cưới. Đổi lại nhà trai sẽ mang trâu, bò đến cho nhà gái, số lượng trâu bò cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình của nhà trai.

“Nếu ở phải hoàn cảnh quá nghèo, người phụ nữ khi đi lấy chồng vẫn có thể chỉ mang về một vài tấm zèng nhưng vẫn không bị gia đình chồng coi khinh, cô dâu còn phải dệt được tấm zèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng, đó còn là thước đo vẻ đẹp của những cô gái... Bởi vậy, dệt zèng đã trở thành nghề không thể thiếu và là một nét văn hoá truyền thống trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Tà Ôi nơi đây”- Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư cho biết.

Nghệ nhân ưu tú Quỳnh Hoàng chia sẻ thêm: Trong tất cả các ngành nghề truyền thống của các tộc người thiểu số ở A Lưới, nghề dệt Zèng của người Tà Ôi là một trong những nghề phát triển nhất. Bởi ngoài những đặc trưng về ngôn ngữ, văn hóa… trang phục, trang sức cũng là một đặc điểm quan trọng để phân biệt văn hóa của từng tộc người. Đó là sự phản ánh của con người trước những điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa - xã hội nơi họ cư trú. Mỗi tấm vải dệt ra là thành quả kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của cả cộng đồng qua một quá trình lịch sử phát triển. Tính tương đồng của các sản phẩm dệt dù chưa có đủ cứ liệu để chứng minh quá trình ảnh hưởng hay giao thoa tiếp biến trang phục giữa các tộc người, nhưng ở vài motip, vị trí của nó trên nền chất liệu, phần nào đã chứng minh cho bản sắc của từng dân tộc.

Những tấm zèng của đồng bào Tà Ôi và một số dân tộc thiểu số khác ở A Lưới, ngoài giá trị văn hoá truyền thống, đây còn là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của đồng bào ngày nay.

Theo nghệ nhân Quỳnh Hoàng, trước đây người Tà Ôi còn giữ được gần như nguyên vẹn các loại nguyên liệu, công cụ kỹ thuật và quy trình sản xuất zèng truyền thống. Trong một góc nhìn về sự giàu có của các tộc người thiểu số ở A Lưới, thì người nào sở hữu được nhiều bộ trang phục bằng đồ dệt đắt tiền sẽ là người giàu có. Do vậy, các sản phẩm dệt đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, nó như là một chuẩn mực cho một cô gái chưa chồng biết tạo ra sản phẩm này. Hơn nữa sản phẩm dệt như là một món của hồi môn cho những cô gái sau khi về nhà chồng.

Vì thế, để tạo ra những tấm zèng lớn sẽ mất nhiều thời gian trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy, sự khéo léo, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại của các phụ nữ Tà Ôi đã tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau công việc ở nương rẫy, bên bếp lửa hồng, trong những tháng mùa đông mưa giá, đặc biệt là sau những vụ mùa cũng như chuẩn bị cho mùa Xuân mới, các khung dệt được bày ra rộng khắp, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia.

“Trước đây, nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm này thường là những cây bông (Cà pai lao, cà pai plưng) được đồng bào trồng trên rẫy trải qua nhiều công đoạn như thu hoạch, phơi, tách, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi...Khi đã có sợi vải, người ta tiến hành nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ và rễ cây khai thác từ núi rừng, gam màu chủ yếu là đen, đỏ và trắng, sau đó phơi khô và cuộn lại thành búp”- nghệ nhân Quỳnh Hoàng cho biết thêm.

Khẳng định mối liên quan giữa các hoa văn trên các tầm zèng với quan niệm sống của người Tà Ôi huyện A Lưới, nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư cho biết: Những sản phẩm từ zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, được đồng bào coi trọng. Chính vì vậy đa phần những sản phẩm zèng của bất kỳ một cá nhân nào dùng khi còn sống đều được chôn theo khi mất đi, người thân chỉ giữ lại một số rất ít những vật mà người sống thường hay dùng để tưởng nhớ đến người đã khuất, thông thường là cái khố, tấm áo, thắt lưng... Những đồ vật này được người thân gìn giữ rất cẩn thận, thường được cất dưới tủ nơi đặt bàn thờ, hoặc trong những nơi cất giữ đồ vật quan trọng của gia đình. Những sản phẩm zèng này chỉ được mang ra khi tổ chức cúng tế cho người đã khuất.

Chính sự gần gũi đó, các hoa văn trên sản phẩm zèng của một số dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới hiếm khi gắn với thần linh, điều thiêng mà thường chỉ là những hình ảnh về cuộc sống con người. Phần lớn đó là những biểu tượng về thiên nhiên, con người. Trong đó, hệ hoa văn dạng động vật, thực vật chiếm tỉ lệ khá lớn.

Theo nghệ nhân ưu tú Quỳnh Hoàng, hoa văn trên sản phẩm dệt của người Tà Ôi được chia theo  các chủ đề: Động- thực vật, thiên nhiên, đồ vật và vũ trụ trời đất. Trong đó, với chủ đề trang trí động vật như A đang (Hình hai con nhện có thân mình cân đối, có bốn chân chìa ra bốn phía, được xếp song song và giáp nhau); Va vạc (Hình con bướm đang bay có đầy đủ đầu, đuôi và hai cánh cân đối xòe rộng); A xiếêp (Hình hai con dơi đang bay, không có chân, hai cánh xòe rộng và tách biệt nhau….)

Trong khi đó, với chủ đề trang trí thực vật gồm: A ưm (cây bắp): Hình cây bắp có 6 lá đều nhau ở hai bên, ngọn có hoa cờ và có quả ở nách lá); Abăng abung (măng cây giang): Tuy được giải nghĩa là măng cây giang, nhưng thực chất hoa văn chuyển tải hình ảnh búp măng của cây giang, tre hoặc nứa, loại hoa văn này còn được gọi là si a lúc ling (đỉnh núi nhọn) hoặc xeling (chông nhọn). Hoa văn này được thể hiện dưới dạng các hình tam giác nhọn nối tiếp nhau chạy dài theo chiều dọc tấm zèng. Pi li pít: Hoa văn hình cây cam có quả và có một cành nhỏTù vạc (Lá cây đoác): Đây là loại cây có thân giống cây dừa, người Tà Ôi thường chặt bỏ ngọn, kéo cong xuống hứng lấy nước trong thân cây, bỏ vào đó một ít vỏ cây chuồn, ủ lên men và uống thay rượu. Hoa văn tù vạc có hình thân cây với bốn cánh xòe ra bốn hướng...

Tiếp đến là hệ hoa văn đồ vật, con người như A pi âr truts (biểu tượng nam) được biểu thị bằng hình ảnh của người đàn ông vạm vỡ, khom lưng đang múa, hai bàn tay ép lại và các ngón tay xòe ra hàm nghĩa của sức mạnh đoàn kết cộng đồng và nguồn sinh lực dồi dào. A pi âr đing (biểu tượng nữ) biểu thị người phụ nữ mặc nai đôi (một loại váy của người phụ nữ đã có chồng) đang múa và không có các ngón tay xòe ra.

Cuối cùng là hệ hoa văn phản ánh vũ trụ, trời đất như: aming cha chung (hình một ngôi sao), meenh cha chung (Ngôi sao Bắc Đẩu), papuốc (tượng trưng cho ngôi sao Rua, hoa văn này có hình dạng 2 hình vuông lồng vào nhau, có hai đường thẳng nối liền hai góc chéo nhau, trmoq pakoom (nói đến sự tương hợp giao hòa giữa con người với thiên nhiên)... Đó là những nét đặc sắc của một dân tộc luôn sống hài hòa với thiên nhiên.

Theo nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, bộ khung dệt (Âl đul âr tao) của các tộc người thiểu số ở A Lưới, đặc biệt là trong đồng bào Tà Ôi có thể được đánh giá là cổ nhất so với các tộc người ở khu vực Đông Nam Á. Bộ khung dệt này có nhiều bộ phận nhưng rất đơn giản, gọn nhẹ, hầu hết là bằng tre, lồ ô và những thanh gỗ rất nhỏ, di chuyển rất dễ dàng. Với trình độ điêu luyện, trên nền vải, người phụ nữ đã khéo léo điểm những hạt cườm chì (Alung), hạt cườm, quả rừng (arác/arắc) để tạo nên những chủ đề trang trí hoa văn đẹp mắt, chứa đựng nhiều hình ảnh, biểu tượng phong phú, nhưng lại đầy ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Điều đó phản ánh sự cảm nhận của những con người mộc mạc, bình dị đối với môi trường tự nhiên cũng như đời sống xã hội.

Bộ váy từ zèng làm cho thiếu nữ Tà Ôi thêm duyên dáng khi xuân về

Từ những giá trị truyền thống của nghề dệt zèng ở một số tộc người huyện A Lưới, trong đó đặc biệt là đồng bào Tà Ôi, một khảo sát gần đây của ngành văn hoá địa phương vừa qua cho thấy: Nghề dệt zèng của đồng bào vừa phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, vừa giúp một bộ phận người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.

“Ngày xưa sản phẩm vải zèng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của đồng bào. Ngày nay, dệt zèng phát triển hơn, có tính thẩm mỹ cao nên được đồng bào yêu thích. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã A Đớt, xã Nhâm, xã A Roàng. Ở một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Với giá từ 600.000 - 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 - 1,5 triệu đồng loại đính cườm, ngày càng nhiều người theo nghề và sống được với nghề. Bởi, dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi nhưng mỗi người thể thu từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, trong khuôn khổ dự án du lịch tiểu vùng sông Mê Kông triển khai tại A Lưới, việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng. Đến nay, dự án đã hình thành một số mô hình du lịch tại các thôn A Ka và A Chi - xã A Roàng và thôn A Hưa - xã Nhâm (A Lưới) với các dịch vụ văn nghệ, nấu ăn, hướng dẫn, lưu trú; phát hành ấn phẩm quảng bá tiềm năng du lịch A Lưới, tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng... thu hút trên 1.600 lượt người tham gia. Khách du lịch đến đây sẽ được tham quan làng, bản, di tích lịch sử, làng nghề dệt zèng, đan lát; thưởng thức đặc sản ẩm thực, du ngoạn hồ nước nóng, lễ hội, âm nhạc... Đây chính là dịp giới thiệu và quảng bá sản phẩm zèng của huyện A Lưới  cho khách đến tham quan và hiện nay nghề dệt zèng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương...”- Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư phấn khởi chia sẻ./.

 

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực