Độc đáo nghi lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa

Thứ hai, 18/12/2023 14:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
​(ĐCSVN) - Dân tộc Raglai ở Khánh Hòa sinh sống tập trung ở một số xã của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh... Dân tộc Raglai có nhiều nét độc đáo về các nghi lễ như lễ tạ ơn cha mẹ, lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới... Đặc biệt, không thể không nói đến phong tục cưới hỏi.

Raglai là một tộc người thiểu số phân bố ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ và là một trong năm tộc người ở Việt Nam theo thiết chế mẫu hệ. Xã hội Raglai truyền thống rất coi trọng gia đình và hôn nhân, được thể hiện rất rõ qua luật tục còn được duy trì đến ngày nay. Luật tục được cho là chuẩn mực đạo đức xã hội, nó quy định mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và trong đời sống vợ chồng cũng như các mối quan hệ thường nhật khác. Những giá trị đạo đức trong luật tục vẫn được coi là chuẩn mực xã hội, là một phương thức hữu hiệu bảo vệ gia đình và hôn nhân của người Raglai trong giai đoạn hiện nay.

Dân tộc Raglai sinh sống lâu đời tại vùng ven biển cực Nam Trung Bộ, nơi triền đông, từ phía bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận, tập trung đông nhất ở vùng núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Dân tộc Raglai thuộc nhóm ngữ hệ Malayo-Polynedi, có quan hệ nguồn gốc với người Chăm và cùng ngôn ngữ với một số tộc người hiện đang sinh sống trên một vài hòn đảo và ven biển cực Nam Trung Bộ với tên gọi là “người Đàng Hạ”. Người Raglai và người Chăm thường có câu: Chăm sa-ai Raglai adơi (Chăm là chị, Raglai là em) hay Chap ai Baglai adơi (Chap là anh, Raglai là em).

Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, cho đến nay họ vẫn duy trì tuy đã có sự thay đổi theo môi trường xã hội mới. Con gái cưới chồng về nhà mình với quan niệm “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ nhưng quyền quyết định những công việc lớn lao vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út.

Xã hội Raglai truyền thống được điều hành bằng luật tục. Đó là những sản phẩm văn hóa dân gian được gìn giữ qua truyền miệng, phần lớn được thể hiện dưới dạng lời nói vần, dễ đọc dễ nhớ. Đây là hình thức giáo dục dân gian nhằm điều chỉnh hành vi và ngôn ngữ của con người cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức cộng đồng. Đó còn là công cụ bảo vệ những giá trị văn hóa tộc người và mối quan hệ giữa con người - tự nhiên trong quá trình phát triển. Cho đến nay, luật tục đó vẫn còn những kiêng to cữ lớn, những cấm kỵ cho xứ sở, kiêng cữ cho đất trời.

 Cưới hỏi là một trong những nghi lễ quan trọng với người Raglai

Như nhiều dân tộc khác, người Raglai coi hôn nhân là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người. Hôn nhân không chỉ là hạnh phúc lứa đôi mà còn là “có vợ có chồng là có sự sống của giống nòi”. Xã hội luôn lên án nghiêm khắc những hành vi trái với phong tục tập quán mà luật tục đã quy định liên quan đến hôn nhân, gia đình và quan hệ nam nữ nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình và giá trị đạo đức của cộng đồng. 

Đám cưới của người Raglai trải qua nhiều nghi thức từ đính ước, ăn hỏi và lễ cưới. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên mọi quyết định quan trọng nhất trong đám cưới nhà gái đều nắm vai trò chủ động và quyết định, nghi lễ cưới chính cũng được tổ chức ở nhà gái.

Tuy nhiên, trong tình yêu và lễ dạm hỏi thì nhà trai vẫn là người chủ động đi hỏi vợ, khi đã được cô gái chấp nhận họ tiến hành nghi thức “lễ nhận hỏi”, đôi trai gái trao vòng cho nhau như một vật đính ước chờ ngày cưới. Lễ cưới của người Raglai là một trong những nghi lễ quan trọng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời, diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, cộng đồng.

 Nghi lễ trong đám cưới của người Raglai

Lễ cưới của người Raglai được tổ chức ở cả nhà trai, nhà gái (nhà trai tổ chức ngày thứ nhất vào ngày lẻ, nhà gái tổ chức ngày thứ hai vào ngày chẵn). Khi thực hiện nghi thức cưới ở nhà trai xong, sang ngày thứ hai nhà trai xuất phát tới nhà gái từ sáng sớm.

Khi sang nhà gái, tùy điều kiện kinh tế từng gia đình mà họ mang theo lễ vật nhiều hay ít. Tuy nhiên, lễ vật bắt buộc trong đám cưới truyền thống bao gồm: Vòng cổ, vòng tay, gùi đi nương, cái rựa, bát ăn cơm, cái nỏ, quần áo, tấm vải. 

Khi chàng rể tới nhà vợ phải rửa mặt tại cửa ra vào, sau đó vào nhà, tới ngồi cùng cô dâu đã đợi sẵn. Trong khi mọi người mời nhau miếng cau trầu lộc hay điếu thuốc thì cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, mời ông bà về chứng giám cho lễ thành hôn của hai người, cho phép chú rể đeo chuỗi hạt cườm, vòng tay cho cô dâu.

Một điều đặc biệt là mâm cúng ông bà tổ tiên của cô dâu, chú rể phải có gà luộc nguyên con, 2 bát cơm với ý nghĩa có bát ăn bát để, cầu mong ông bà phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ thuận hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn.

 Người dân bản làng cùng nhau ăn mừng, nhảy múa chúc phúc cô dâu, chú rể

Tiếp theo là đưa các vật lễ vào cúng cầu mong mùa màng tốt tươi, ngô, lúa đầy kho, vợ chồng hòa thuận, yêu thương nhau trọn đời. Vật cúng bao gồm: gùi, nỏ, rựa, bát ăm cơm.

Đám cưới người Raglai phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Raglai. Kết thúc phần lễ, mọi người cùng nhau đánh mã la, hát siri (hát đối đáp), độc tấu đàn đá, độc tấu đàn chapi, vũ điệu Raglai, hát đối đáp để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố, sự đổi thay của điều kiện môi trường sống, hôn nhân của dân tộc Raglai đã có những biến đổi. Tuy nhiên, nhờ sự giáo dục của ông cha, bằng tình yêu, niềm tự hào văn hóa dân tộc, các thế hệ con em Raglai đã biết tiếp thu những gì tích cực, biết giữ lại những nét đẹp, giá trị văn hóa tiêu biểu của mình trong hôn nhân./.

Bài, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực