Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – sự vận động tất yếu của lịch sử Việt Nam

Thứ tư, 01/06/2011 23:55
(ĐCSVN) - Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh rằng, mỗi dân tộc đều phải lựa chọn cho mình một mục tiêu, con đường phát triển, đó là quyền tự quyết thiêng liêng của mỗi dân tộc, không thể áp đặt. Tuy nhiên, việc lựa chọn mục tiêu, con đường phát triển của mỗi nước không thể nằm ngoài quy luật vận động, phát triển của nhân loại. Nếu đi ngược lại xu thế phát triển, bất chấp quy luật thì sẽ mang lại hậu họa cho dân tộc, cho nhân dân.

Song thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, sự lựa chọn mục tiêu, con đường phát triển của dân tộc cũng không hề đơn giản. Sự lựa chọn đúng hoặc sai con đường phát triển của dân tộc phụ thuộc vào tầm trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, thế giới quan của giai cấp, nhà nước cầm quyền và điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Trong thời đại ngày nay - thời đại loài người quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, được đánh dấu bằng thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại thì việc đấu tranh lật đổ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc là mục tiêu trước mắt của mọi quốc gia dân tộc bị áp bức, của các dân tộc thuộc địa. Song việc xác định mục tiêu lâu dài, con đường phát triển tiếp theo của mỗi nước, của mỗi dân tộc không hoàn toàn thống nhất, tùy thuộc vào quan điểm, lập trường của giai cấp, nhà nước cầm quyền. Trên thực tế, nhiều nước sau khi kiên trì đấu tranh giành được độc lập dân tộc lại tiếp tục đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, đồng thời nhiều dân tộc quyết định tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, trong số đó có Việt Nam.

Sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng, nhà nước và nhân dân ta đó hoàn toàn đúng đắn, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn tin cậy, phù hợp với ước nguyện, khát vọng của nhân dân ta.

Ngay trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới ánh sáng của cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1] ; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[2]. Ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chánh cương vắn tắt do Người soạn thảo đã chỉ rõ: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3].

Thấm nhuần tư tưởng ấy, Đảng ta đã khẳng định “cách mạng Việt Nam là một quá trình cách mạng không ngừng từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và trong quá trình cách mạng, khi cả nước làm một nhiệm vụ chiến lược hoặc làm hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng ta từ khi ra đời đến nay vẫn luôn luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng nước ta.”[4]

Đường lối cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được hiện thực hóa một cách sinh động trên đất nước ta. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng đã lãnh đạo cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng đến nay đã chứng minh sự đúng đắn của mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất đúng, là một tất yếu lịch sử của đất nước ta, không thể có con đường khác, càng không thể là con đường tư bản chủ nghĩa.

Bởi lẽ, để đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước là ước mơ, là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta bao đời nay, suốt mấy chục năm trời, đã có biết bao đảng viên trung kiên, quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hy sinh xương máu mới thực hiện được. Vì vậy, sau khi giành được độc lập dân tộc, Đảng ta không thể đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, không thể lại đưa giai cấp bóc lột quay trở lại địa vị thống trị, đưa dân ta trở lại con đường lầm than, cơ cực, tiếp tục chịu thân phận ngựa trâu, không thể tự tước đoạt, tự hủy hoại thành quả cách mạng với bao sự hy sinh xương máu. Chính vì thế sau khi giành được độc lập dân tộc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đối với nước ta là sự lựa chọn hợp quy luật phát triển của nhân loại, đồng thời cũng phù hợp với đặc điểm của dân tộc ta, nguyện vọng, ý chí của nhân dân ta.

Việc lựa chọn mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng ta, nhân dân ta dựa trên cơ sở khoa học của chủ nghĩa Mác -Lênin, được tổng kết từ thực tiễn cách mạng thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam, hội đủ các nhân tố khách quan và chủ quan, dân tộc và thời đại, hoàn toàn không phải dựa vào cảm tính, thuần túy dựa trên nguyện vọng mong muốn chủ quan của Đảng và nhân dân ta.

Từ thực tiễn tình hình cách mạng thế giới và thành quả cách mạng Việt Nam trong 80 năm qua càng khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Bác Hồ, của Đảng và nhân dân ta.

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội IV, Đảng ta đã khẳng định: Trong thời đại ngày nay khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời nhau, và ở nước ta khi giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, sự bắt đầu của thời kỳ thực hiện nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản... Như vậy, độc lập thống nhất không những gắn liền với nhau mà còn tạo tiền đề cho chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội là mục đích trước mắt của cách mạng Việt Nam đồng thời là con đường tiến hóa tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người đang ở thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày nay, Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ đầy đủ, mới trả lại giá trị chân chính cho con người. Có chủ nghĩa xã hội Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hóa khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, do đó bảo đảm cho đất nước ta vĩnh viễn độc lập tự do và ngày càng phát triển phồn vinh. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho Tổ quốc ta thống nhất ở trình độ cao nhất và đầy đủ nhất, thống nhất về lãnh thổ, chính trị và tinh thần, về kinh tế, văn hóa xã hội, thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ, mọi người đoàn kết, thương yêu nhau một cách chân thành và thắm thiết[5].

Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta tiếp tục khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và nhất quán thực hiện mục tiêu đó. “Trước sau như một, nhân dân ta vẫn kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là mục tiêu chiến đấu 60 năm qua của Đảng và nhân dân ta. Con đường chúng ta lựa chọn phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của thời đại.”[6]

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, trước sự tác động từ khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng ta tiếp tục khẳng định dứt khoát mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI trình bày tại Đại hội VII của Đảng đã làm rõ cơ sở khoa học của sự kiên định đó: “Đối với nước ta không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong tào yêu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại. Nhân dân ta dưới ngọn cờ của Đảng, phát huy cao độ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc đã chiến đấu, hy sinh ròng rã mấy chục năm trời, hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân, đã chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không có lý do gì lại rẽ sang con đường khác ngược với mục tiêu đã chọn. Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thực sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thực sự cho tuyệt đại đa số nhân dân.

Cũng không có lý do gì chúng ta “lùi lại” giai đoạn dân chủ nhân dân mà lịch sử đã vượt qua. Nếu có những việc của giai đoạn trước chưa làm xong, hoặc chưa làm tốt thì chúng ta tiếp tục giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy nhân dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa ”[7]

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), tiếp tục khẳng định: Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.[8]

Tuy nhiên, trong những năm qua đã có không ít quan điểm phê phán đường lối cách mạng Việt Nam, phủ nhận, xuyên tạc mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn. Nhất là từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sự sụp đổ càng có nhiều quan điểm phủ nhận con đường cách mạng Việt Nam, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Họ đòi phán xét lại lịch sử, cho rằng Đảng ta đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội là vội vàng. Một số người cho rằng, không thể đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, rằng “đưa dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là đưa dân tộc vào chỗ chết”, nên chọn con đường tư bản chủ nghĩa…

Có những quan điểm cho rằng sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc chưa vội tiến lên chủ nghĩa xã hội mà cần thực hiện chế độ dân chủ nhân dân. Và hiện nay, không nên kiên định con đường chủ nghĩa xã hội mà hãy quay lại thực hiện chế độ dân chủ nhân dân. Một số người cho rằng đổi mới đất nước theo kinh tế thị trường là đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Thực chất các quan điểm trên đều nhằm mục đích phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc, đồng thời phê phán, khắc phục những biểu hiện nhận thức không đúng, dao động về con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong một bộ phận nhân dân ta.

Cần khẳng định rằng, công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đòi hỏi tất yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, để tạo những điều kiện, tiền đề cho chủ nghĩa xã hội. Thực hiện đường lối đổi mới nhưng vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không tạo ra một thời kỳ “trung gian”, “thời kỳ quá độ từ độc lập dân tộc lên chủ nghĩa xã hội”…

Những gì mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước là đang xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 đã xác định, đồng thời tiếp tục được cụ thể hóa, bổ sung, phát triển trong Cương lĩnh được thông qua tai Đại hội XI của Đảng (2011). Chúng ta thực hiện đường lối đổi mới không phải để xa rời chủ nghĩa xã hội, mà để chúng ta càng vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó chính là quá trình hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay và trong những năm tới, thời cuộc có thể có nhiều đổi thay, nhưng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mãi mãi là mục tiêu, con đường duy nhất đúng đắn, là tất yếu lịch sử của dân tộc ta trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.



[1]  Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb.CTQG, H 2002, tập 9 tr. 314

[2]  Hồ Chí Minh, toàn tập,Nxb CTQG,H.2002, tập 10 tr.128

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 3, tr.1

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 37 (1976), Nxb.CTQG. H.2004, tr.500- 501.

[5] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37 (1976), Nxb.CTQG. H.2004, tr.500- 501

[6] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 50, Nxb. CTQG,H.2007, tr 217

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr109- 110.

[8] Xem:  Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXb CTG, H 2011, tr. 65

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực