Ngày 15/11/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023 - 2025. Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì Hội thảo.
|
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đồng chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội |
Theo báo cáo của Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, trong 3 năm (2019 - 2021) thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, 19 báo, tạp chí tham gia thực hiện chính sách đã xuất bản gần 35 triệu tờ cung cấp cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Vụ Tuyên truyền và phản ánh của đối tượng thụ hưởng thì nội dung một số báo, tạp chí còn thiếu toàn diện, yếu tố vùng, miền chưa cân đối, nghèo hình ảnh; một số bài viết phản ánh thực tiễn chưa sâu sắc, phản biện chính sách còn hạn chế; hình thức chuyển tải thông tin chủ yếu là một chiều, chưa sát với tôn chỉ mục đích của tờ báo…
Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoà nhập phát triển cùng với đất nước”.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW và Nội dung số 2, Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 10 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025: “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất những nội dung cơ bản nhằm đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Về nội dung, các báo, tạp chí căn cứ tôn chỉ, mục đích của báo mình sản xuất các chuyên đề mang tính chuyên ngành cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, nhằm khắc phục việc đưa các thông tin chồng chéo, tràn lan, khó kiểm soát, dài trải, hạn chế cao nhất sự nhàm chán, lãng phí ngân sách.
Về hình thức cung cấp thông tin: đề xuất xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi để chuyển tải những thông tin đặc sắc được tổng hợp từ các báo, các chuyên đề đến bạn đọc. Bên cạnh đó, tin, bài chính kỳ của các báo, tạp chí được ứng dụng công nghệ đọc tự động bằng tiếng phổ thông và một số tiếng dân tộc thiểu số nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới những địa bàn đi lại khó khăn, đến mọi người dân, cơ quan quản lý thông qua điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị nghe - nhìn khác.
Xây dựng kênh tương tác hai chiều trên App nhằm thu thập thông tin hai chiều, hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề quan tâm tới cơ quan quản lý, giúp Ủy ban Dân tộc tăng cường cập nhật thông tin đúng, đủ, sàng lọc, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tại địa phương.
Đưa nội dung của báo in lên báo điện tử của cơ quan chủ quản báo, tạp chí; qua các kênh ngoại giao, du lịch, đầu tư, hợp tác trao đổi thông tin dưới dạng điện tử (e-paper), báo điện tử để mở rộng phạm vi phát hành đến những địa bàn xa, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm.
Những đề xuất này của Ủy ban Dân tộc đã nhận được sự đồng tình cao của các địa phương và các bộ, ngành tham dự Hội thảo. Các ý kiến phát biểu đều khẳng định đây là sự đổi mới hình thức cung cấp thông tin theo hướng khuyến khích chuyển đổi số, khắc phục tình trạng báo, tạp chí in chậm đến tay bạn đọc, mất tính thời sự, “đắp chiếu” tại cơ sở như đã từng tồn tại ở một số nơi, một số lúc như trước đây.
Tận dụng sự phát triển của xu hướng báo chí đa nền tảng giúp cho những thông tin trên báo, tạp chí in được hiện diện lần nữa trên môi trường mạng một cách tức thời, sinh động, đa dạng, đa chiều, giúp công chúng trong nước và trên thế giới có thêm cơ hội nắm bắt thông tin về vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách nhanh chóng, trọng tâm, sâu sắc, chính thống, hiệu quả truyền thông được tăng cường.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần phát huy tối đa các kênh truyền thông số để phục vụ đồng bào, trên quan điểm tăng cường sự tương tác hai chiều, đề chính đồng bào dân tộc thiểu số là người chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của mình cho mọi người. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc xây dựng ứng dụng nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho người dân khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo kế hoạch, sau Hội thảo, Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Dự thảo, tiếp tục xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương và 51 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.