|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Sáng 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam Trịnh Văn Quyết, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
|
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ |
Theo Thủ tướng, nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá.
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Trung ương xác định: “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hoá nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…”
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đã khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam”.
Thủ tướng nhận định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
|
Hội nghị cũng được tổ chức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước. |
Thủ tướng nêu rõ, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Thủ tướng đề nghị tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính:
Thứ nhất, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua (cố gắng nêu rõ số liệu minh chứng cụ thể); nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa?
Thứ hai, đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, trong đó nêu rõ giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách? (về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…).
Theo đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư. Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào? Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng? Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đề xuất của Bộ VHTTDL ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định phù hợp sau Hội nghị.
(Tiếp tục cập nhật...)