Đồng chí Lê Đức Anh: Tấm gương sáng về phẩm chất người cán bộ cách mạng, đức hy sinh, lòng dũng cảm

Thứ hai, 30/11/2020 15:22
(ĐCSVN) - Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Đại tướng Lê Đức Anh sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến cảnh người dân sống cơ cực, lầm than dưới ách áp bức, cai trị của thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (ảnh: Đình Tăng).

Sáng 30/11, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học chủ trì Hội thảo. 

Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương.

Cùng dự có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế; các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các tướng lĩnh, sĩ quan và đại diện gia đình Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. 

Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương đã khái quát về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh; trong đó đã cho biết: Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920, tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) khi mới 18 tuổi (năm 1938).

“Hơn 80 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù ở bất kỳ cương vị công tác, điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, “hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tri thức, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết liệt trong mọi công việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”- Trung tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định.

Đề dẫn hội thảo do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đã nhấn mạnh những mốc son trong cuộc đời hoạt động đầy oanh liệt, vinh quang của của đồng chí Lê Đức Anh với những đóng góp quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và công lao lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Phẩm chất và tài năng của đồng chí Lê Đức Anh không ngừng tỏa sáng, phát huy trên các cương vị được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó; luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; là người chỉ huy, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc, trung kiên và có uy tín của Đảng và Nhà nước ta.

Đặc biệt, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, quan tâm đời sống cán bộ, chiến sĩ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

“Với cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể Bộ Chính trị khởi xướng và đề xuất nhiều quyết sách quan trọng chỉ đạo toàn dân, toàn quân thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng bị bao vây, cấm vận; cùng Trung ương Đảng, Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đi đúng hướng. Những cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh rất to lớn, nổi bật trên cả lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại”- Đề dẫn Hội thảo nêu rõ.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Đại tướng Lê Đức Anh sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến cảnh người dân sống cơ cực, lầm than dưới ách áp bức, cai trị của thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Tự nguyện dấn thân theo con đường đấu tranh cách mạng, như bao người con của dân tộc cùng chí hướng, đồng chí Lê Đức Anh đã bước vào một hành trình đầy chông gai, thử thách, hy sinh với niềm tin vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, của đất nước.

Tích cực tham gia các phong trào yêu nước tại quê hương; tự học tập, tự giác ngộ về con đường cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã nhanh chóng trưởng thành. Từ một thanh niên yêu nước, sớm tiếp thu và đi theo con đường cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Đức Anh đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khi vừa 18 tuổi.

Hội thảo Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.
(ảnh: Đình Tăng).

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã được Đảng Nhà nước và Quân đội tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt, như: Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia giúp Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII và VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII và VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4 năm 2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

“Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí Lê Đức Anh cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, cho đến giờ phút cuối của cuộc đời, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, nêu cao đức hy sinh, lòng dũng cảm, sống trung thực, giản dị, gần gũi với cán bộ chiến sỹ; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.

Với công lao, cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang và tự hào của Đảng, của dân tộc, đồng chí Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế”- đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết và khẳng định: “Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020).

Với ý nghĩa, mục đích đó, đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý Hội thảo cần tập trung thảo luận, khẳng định cuộc đời, sự nghiệp cách mạng gian khổ nhưng vẻ vang của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa xã hội.

Làm rõ công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là đối với thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phân tích và làm sâu sắc hơn những quan điểm, tư tưởng của đồng chí Lê Đức Anh về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh cách mạng cũng như sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm giành lại độc lập, tự do dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội Nhân dân vững mạnh toàn diện; củng cố quốc phòng; mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.

Khẳng định những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và cuộc sống bình dị của đồng chí Lê Đức Anh, góp phần giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương Thừa Thiên - Huế cho các thế hệ người Việt Nam, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thông qua kết quả Hội thảo, cần đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như tấm gương học tập, phấn đấu, rèn luyện, cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh cho đất nước, cho dân tộc; đồng thời tổ chức thêm các hoạt động thiết thực để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu thêm, hiểu rõ và tự hào về nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực