|
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. (Nguồn ảnh từ cuốn sách: Lê Khả Phiêu - Ký ức thời gian). |
Đồng chí Lê Khả Phiêu giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng không dài (tháng 12/1997 đến tháng 4/2001), nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng của nước ta thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng.
Vào những năm cuối thế kỷ XX, với cương vị Bí Thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị rồi Tổng Bí thư của Đảng, với bản lĩnh, bản chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, với sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và Nhân dân, với Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; với tác phong của con người hành động, đi đến nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp, sâu sát thực tiễn, am hiểu tình hình, đồng chí Lê Khả Phiêu thấy sự suy thoái của tổ chức Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tình trạng quan liêu, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… ngày càng trầm trọng. Thẩm thấu, quán triệt sâu sắc di huấn của Bác Hồ trước lúc đi xa, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng… Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy cũng nhất định thắng lợi”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã bàn và ban hành Nghị quyết 6 (lần 2) “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” (ngày 2/2/1999) nhằm “xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, kiên quyết sửa chữa sai lầm khuyết điểm để đền đáp công ơn đối với nhân dân, đối với dân tộc” như đồng chí Tổng Bí thư đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2). Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) mà “linh hồn”, “chủ biên” là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, là một dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta về xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà hiện nay đang được thực hiện quyết liệt với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và niềm tin của nhân dân.
Trong thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt quan tâm, sâu sát đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 26/12/1997, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư, chưa đầy một tháng sau đó, ngày 20/01/1998, đồng chí Lê Khả Phiêu đã vào thăm và chúc tết Đảng bộ và Nhân dân Thành phố và đã đến thăm Khu Chế xuất Tân Thuận – Khu Chế xuất đầu tiên của nước ta. Ngày 18/12/1998, đồng chí vào tham dự Hội thảo khoa học “300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” và phát biểu với Hội thảo. Ngày 22/12/1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư cho Đảng bộ và Nhân dân Thành phố. Ngày 17/8/2000, người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng ta tham dự Đại hội Đảng bộ cơ sở phường Bến Nghé (quận 1). Ngày 18/12/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7. Nhắc lại một số sự kiện mang tính “biên niên” trên đây như là một nén tâm nhang tri ân đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu!
Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn chỉ đạo Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của Thành phố trong lịch sử cũng như trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, để từ đó xác định trách nhiệm của Thành phố “cùng cả nước, vì cả nước”. Phát biểu với Hội thảo “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm”, đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định: “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một hình ảnh tiêu biểu thể hiện sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc với ý chí thống nhất non sông”. “Tổ quốc gửi gắm niềm tin vững chắc vào Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm nên những kỳ tích mới trong những năm cuối thế kỷ 20, bước vào thế kỷ 21. Thành phố hãy vì cả nước, cùng cả nước vượt qua thử thách đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”. Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7, ngày 19/12/2000, đồng chí Lê Khả Phiêu tiếp tục phân tích sâu sắc hơn vị trí, vai trò lịch sử của Thành phố đã được Bộ Chính trị khóa V xác định trong Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14/4/1982. “Sài Gòn là điểm quyết chiến, chiến lược cuối cùng quyét sạch quân xâm lược… Ngày Sài Gòn giải phóng (30/4/1975) đã trở thành biểu tượng rực rỡ của sự nghiệp kháng chiến thần thánh suốt 30 năm”. “Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, trung tâm khoa học công nghệ, văn hóa, y tế, thể dục, thể thao, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị rất quan trọng ở phía Nam và của cả nước”. Vị trí, vai trò của TPHCM sau này được Bộ Chính trị khẳng định trong Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 và Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012, trở thành hệ thống quan điểm về phương hướng, nhiệm vụ phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
|
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bí thư thành uỷ TP HCM Trương Tấn Sang trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo: “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm (1698-1998) diễn ra ngày 18/12/1998. (Ảnh tư liệu) |
Cũng như đối với sự nghiệp xây dựng Đảng nói chung, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn chỉ đạo sâu sát việc xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí khẳng định: “Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đảng bộ ra đời sớm nhất” và đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước làm nên những chiến công vĩ đại, những thắng lợi to lớn. Song trong tình hình mới, Thành phố phải đối đầu với rất nhiều thách thức. Thành phố còn để xảy ra rất nhiều vụ án do lãnh đạo và quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát, chưa nghiêm túc kiểm tra, thanh tra. Cùng với các vụ án là sự sa đọa, biến chất của một số không ít cán bộ, đảng viên, các tệ nạn xã hội còn nhiều, lòng tin của nhân dân bị giảm sút. Do vậy, đòi hỏi Đảng bộ Thành phố phải thường xuyên xây dựng chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực hơn nữa, thực chất hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Phải khắc phục sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, nguyên tắc và ý thức tổ chức, đạo đức và lối sống, mơ hồ về bản chất dân tộc và giai cấp của một cuộc đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới… Phải tiếp tục chống tham nhũng, quan liêu, xa rời nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ…, những biểu hiện xấu xa nhất của chủ nghĩa cá nhân.
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư luôn nhắc nhở phải giữ gìn mối quan hệ máu thịt với nhân dân, phải thường xuyên gần dân, sát dân, trọng dân, hiểu dân, tin dân và làm cho dân. Phát biểu tại cuộc Hội thảo “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm” (1998), đồng chí nhấn mạnh “Không có nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Anh hùng thì Đảng bộ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh không thể tồn tại và phát triển, không có những thắng lợi to lớn vừa qua và hôm nay”. “Tấm lòng và công ơn của nhân dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ tựa như công ơn sinh thành của cha mẹ. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cần nhận thức sâu sắc điều hệ trọng ấy, kiên quyết xây dựng Đảng bộ, rèn luyện và giáo dục đảng viên…, mọi việc đều phải hướng tới hạnh phúc của nhân dân”. Đó là sự thẩm thấu sâu sắc triết lý phát triển của Việt Nam được các triết gia, các bậc minh quân, Bác Hồ tổng kết “dân là gốc”, “bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”, “không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, nên “chúng ta phải yêu thương dân, kính dân”, phải “làm cho dân”, “việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, có dân là có tất cả, “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nằm lòng bài học về dân, với trải nghiệm, thử thách của một cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội nhân dân của “Bộ đội Cụ Hồ”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong những lần vào Thành phố Hồ Chí Minh đã tranh thủ đến thăm nhân dân tại khu phố 4, phường 17, quận Bình Thạnh; tham dự đại hội cơ sở của Đảng bộ phường Bến Nghé, quận 1; Thăm Khu Chế xuất Tân Thuận, Chúc tết đồng bào…
Những chỉ đạo, căn dặn, gợi mở và hành động, việc làm của đồng chí Lê Khả Phiêu hơn hai thập kỷ về trước, 1 thế hệ đã đi qua, song dường như vẫn còn tính thời sự đối với Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã để lại chân dung của một người cộng sản chân chính, kiên trung, gắn bó cả cuộc đời với binh nghiệp, một nhà lãnh đạo kiệt xuất; có tác phong giản dị, gần gũi mọi người, thương dân, trọng dân, luôn đau đáu việc Đảng, việc nước. Gương sáng ấy mãi mãi không mờ phai!