“Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”

Thứ sáu, 02/02/2018 21:56
(ĐCSVN) - Ngày 2/2, tại TP Hải Phòng, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Thành ủy Hải Phòng, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”.
Tọa đàm khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam” - Ảnh: MC


Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nho học yêu nước. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí chỉ trong 7 năm nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đến với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo con đường mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra và đi tiên phong.

Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, buổi Tọa đàm là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản trẻ tuổi kiên trung; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nhà lãnh đạo của phong trào công nhân, lãnh tụ đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý cho hoạt động của Công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

“Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dành trọn tuổi thanh xuân cho Đảng, cho dân tộc và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những năm tháng hoạt động của đồng chí vô cùng sôi nổi và có những cống hiến to lớn đối với phong trào yêu nước, phong trào cộng sản và phong trào công nhân Việt Nam. Đồng chí đã góp phần đưa lý luận về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cách mạng thế giới vào phong trào công nhân - công đoàn ở nước ta, biến những lý luận ấy thành hiện thực. Đồng chí cũng là người thành lập và lãnh đạo Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngoài ra, tập “Công nhân vận động” mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để lại cho Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam là một tài sản quý báu, thể hiện trí tuệ và tình cảm sâu sắc của đồng chí với giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí là người đã góp phần thúc đẩy cách mạng nước ta tiến lên. Đồng chí cũng để lại tấm gương sáng của người cộng sản, đó là lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản cao cả”, đồng chí Bùi Văn Cường khẳng định.

Với tham luận có chủ đề "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh- tấm gương sáng về tinh thần hy sinh cao cả, trọn đời với sự nghiệp đấu tranh cho giai cấp công nhân", GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 86 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí, mỗi chúng ta tự rút ra cho mình bài học về lẽ sống, về những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản thời dựng Đảng, dựng nước từ tấm gương Nguyễn Đức Cảnh. Tấm gương đó có giá trị ý nghĩa sâu sắc thúc đẩy các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển và hiện đại hóa đất nước.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nêu một tấm gương về tinh thần hy sinh cao cả, trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân. Một trong những điểm nổi bật ở đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là từ những năm tháng đầu đời ở tuổi thanh niên 16 tuổi, đồng chí đã có ý thức về cuộc sống, biết quan tâm tới tình cảnh sống nghèo khó, cơ cực của những người lao động, nhất là của công nhân, thợ thuyền bị bóc lột, áp bức dưới chế độ thực dân, đế quốc. Khi công nhân các nhà máy sợi, nhà máy tơ, nhà máy rượu ở TP Nam Định đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm vào năm 1925-1926, đồng chí đã tỏ rõ sự đồng cảm sâu sắc. Cùng với bạn học, đồng chí lập ra hội tương trợ học sinh, con em của những người nghèo khổ, để giúp đỡ, cưu mang lẫn nhau… Bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đó là bài học về lòng trung thành và giữ vững chí khí chiến đấu, đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân, của Đảng lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, cuộc sống riêng cho sự nghiệp chung.

Đó cũng là bài học về rèn luyện trong thực tiễn, nâng cao ý thức và bản lĩnh giai cấp công nhân, xây dựng phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh; bài học về coi trọng công tác lý luận, công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động trong công nhân và Công đoàn; bài học về mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với quần chúng công - nông, học hỏi quần chúng, thấu hiểu quần chúng để suốt đời tận tụy, trung thành phục vụ quần chúng; bài học về niềm tin, đức tin, đức hy sinh và lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng.

Trao đổi về “Phát huy tư tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam hiện nay”, TS Nguyễn Mai Anh, Phó Trưởng Ban xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản nêu quan điểm, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc tư tưởng của đồng chí về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Mục tiêu cao cả này chính là động lực lớn để đồng chí đấu tranh và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động nói chung và đề cao sức mạnh của giai cấp công nhân nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng được đánh giá là nhà hoạt động chuyên nghiệp trong phong trào công nhân và Công hội đỏ từ thời kỳ trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cũng là người đã sớm nhìn ra sức mạnh của giai cấp công nhân và khẳng định đây chính là lực lượng có thể thay đổi thời đại. Nguyễn Đức Cảnh không những có công lao lớn trong việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là người đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào hoạt động của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, làm sáng tỏ hơn, phong phú hơn lý luận cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngay từ khi gia nhập tổ chức Thanh niên, Nguyễn Đức Cảnh đã thấm nhuần quan điểm muốn làm cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, và từ quan điểm giai cấp công nhân, đồng chí đã khẳng định Đảng muốn vững phải lấy giai cấp công nhân làm trọng, lấy chủ nghĩa chân chính làm cốt và Đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng phải có đường lối cách mạng đúng đắn, thực sự đoàn kết các thành phần, các giai cấp, mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng.

Các đại biểu tham luận tại tọa đàm - Ảnh: MC


Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn đặt nhiệm vụ chăm lo giáo dục, rèn luyện lực lượng công nhân về mọi mặt. Cuộc đời hoạt động của đồng chí chính là tấm gương lớn về phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn giành về mình phần khó khăn. Những biểu hiện đạo đức cách mạng được bộc lộ rất sớm và rất rõ, nhất là từ khi Nguyễn Đức Cảnh gắn bó, trở thành một phần của giai cấp công nhân. Đó là tình yêu thương sâu sắc đồng bào, đồng chí, sự đồng cam cộng khổ với những người công nhân, nhân dân lao động; là sự tuân thủ nguyên tắc hoạt động, nguyên tắc tổ chức, lòng trung thành đối với chỉ thị của cấp trên; là đức tính khiêm tốn; luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; trong bất kỳ hoàn cảnh công tác nào, trên bất cứ cương vị công tác nào đều làm tròn trách nhiệm; trước cái chết không hề run sợ...

Theo Phó Chủ tịch thường trực TLĐ Trần Thanh Hải, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là người thực hành xuất sắc tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về xây dựng đội ngũ cán bộ đại diện cho công nhân mà còn là hiện thân sinh động của người cán bộ công đoàn gắn bó chặt chẽ với công nhân, một lòng hành động vì công nhân.

Ngay khi học trường Thành Chung (Nam Định), đồng chí đã có sự đồng cảm với cuộc sống của công nhân. Khi làm việc tại xưởng in Lê Văn Tân (Hà Nội), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành công nhân, trải nghiệm cuộc sống của công nhân. Đặc biệt, sau khi tham dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí vừa làm thợ quai búa ở xưởng cơ khí Carông, sau đó làm phu khuân vác ở bến cảng Hải Phòng, vừa trực tiếp hoạt động, dẫn dắt phong trào đấu tranh của công nhân theo tư tưởng cách mạng. Từ đây, tư tưởng về cán bộ đại diện cho công nhân được triển khai trong thực tiễn, hình thành một đội ngũ lớn mạnh, chắc chắn làm bệ đỡ cho sự phát triển của phong trào công nhân.

Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ công hội là minh chứng sinh động về công tác cán bộ công đoàn. Là người đại diện cho người lao động, cán bộ công đoàn phải thấu hiểu cuộc sống của người lao động; được đào tạo cần thiết và rèn luyện, kiểm nghiệm qua thực tiễn để chắt lọc một đội ngũ ưu tú có tính đặc trưng và từ đó gánh vác trọng trách phù hợp là yêu cầu cơ bản trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ chuẩn chất để được số đông người lao động tin tưởng giao nhiệm vụ đại diện.

Dân chủ là nguyên tắc được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rất chú trọng để phát huy trí tuệ, tạo sự thống nhất của cán bộ công hội ở các cấp và báo chí của Công hội Đỏ là diễn đàn trao đổi về lý luận, về đường lối cũng như kinh nghiệm hoạt động của công hội.

Dẫn bài viết với tựa đề “Đảng ta” của Trần Thắng Lợi (Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào đầu năm 1949: “… tôi phải nhắc đến những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai cùng trăm nghìn đồng chí khác… máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”, đồng chí Trần Thanh Hải nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào hàng ‘tiên liệt’, anh dũng hy sinh vì Đảng, vì giai cấp công nhân, vì dân tộc thì không lẽ nào những người cán bộ công đoàn hiện nay không tìm thấy các chân giá trị của người sáng lập tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực