Đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ hai, 29/06/2015 16:09

(ĐCSVN) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1976) đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ trương của Đảng là củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy nhanh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa và nông nghiệp ở miền Nam, xóa bỏ kinh tế tư bản tư nhân, đưa nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, nhằm thống nhất quan hệ sản xuất và chế độ kinh tế trên cả nước.

Đảng cho rằng, với thuận lợi mới và sức mạnh của cả nước, chỉ cần vài ba kế hoạch 5 năm là có thể kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành những mục tiêu cơ bản về xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh - với trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh - đã cùng tập thể Đảng bộ và chính quyền thành phố lãnh đạo 4 triệu nhân dân thành phố mới giải phóng vượt qua những khó khăn, thách thức về mọi mặt. Là người dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị trong lãnh đạo chiến tranh giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh trăn trở nhiều về đường đi, nước bước của thời kỳ mới. Vừa nắm vững quan điểm, mục tiêu của Đảng, vừa phải suy nghĩ từ thực tiễn, chú trọng tổng kết những việc đã làm.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh mới có điều kiện nhiều lần ra miền Bắc, về thăm quê hương Hưng Yên. Đồng chí đã chú ý nghiên cứu để làm rõ kinh nghiệm và hiệu quả của cải tạo xã hội chủ nghĩa của miền Bắc trước đó để suy nghĩ về giải pháp, hình thức cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, khi đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương.

Có một thực tế trong sản xuất nông nghiệp mà ai cũng thấy là cũng đồng đất và hoàn cảnh như nhau, nhưng ruộng của hợp tác xã thì năng suất, sản lượng rất thấp, còn ruộng 5% để lại cho gia đình xã viên làm kinh tế gia đình lại có năng suất rất cao. Xã viên tập trung đầu tư cho đất 5% và coi đó là nguồn sống chủ yếu. Thực tế đó ai cũng thấy nhưng vì sao không nghiên cứu, tổng kết làm rõ nguyên nhân, nhất là từ phía cách thức quản lý và chế độ phân phối. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần nêu ra vấn đề đó. Phải quản lý kinh tế bằng biện pháp và quy luật kinh tế chứ không thể bằng cách quản lý hành chính. Việc “khoán chui” trong hợp tác xã nông nghiệp ở Đồ Sơn, Hải Phòng cuối những năm 70 là sự tìm hướng đi đúng. Điều đó đã được Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc chủ trương khoán hộ, năm 1966, ở miền Bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ VI, ngày 18/12/1986
                                                (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng là một thành phố công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cải tạo xã hội chủ nghĩa như thế nào để vẫn phát triển sản xuất, bảo đảm các hoạt động kinh tế bình thường, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ tư bản tư nhân được cải tạo thành cơ sở kinh tế quốc doanh nhưng phải có hướng đi đúng, cách quản lý thích hợp mới có thể phát triển. Kế hoạch sản xuất, nguồn vốn, nguyên liệu, lao động và thị trường là những vấn đề lớn đặt ra và phải mang lại hiệu quả kinh tế. Đó là điều đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn tìm cách làm khác, vượt qua cơ chế, cách làm cũ.

Năm 1979, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Khủng hoảng có nguyên nhân khách quan là hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh; sự cấm vận của Mỹ và các nước khác; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc; sự phá hoại của thế lực thù địch. Nguyên nhân chủ quan, đó là những khuyết điểm trong cơ chế, chủ trương, chính sách từ căn bệnh chủ quan duy ý chí, giáo điều, nóng vội. Để khắc phục những khuyết điểm đó, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, Đảng đã thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới, cơ chế, chính sách. Cần phải tổng kết cách làm của thành phố Hồ Chí Minh, của Hải Phòng, nhiều địa phương và một số đơn vị kinh tế. Bước đột phá đầu tiên là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (8/1979) với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và thành phần kinh tế làm cho sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Với đột phá quan trọng đó đã đi đến đổi mới từng phần có ý nghĩa rất quan trọng. Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển to lớn trong sản xuất nông nghiệp. Quyết định 25-CP và 26-CP ngày 21/1/1981 của Chính phủ cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh xây dựng và thực hiện 3 kế hoạch đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Đại hội V của Đảng (3/1982) cũng đã nhận thức lại một số vấn đề của thời kỳ quá độ và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nửa đầu những năm 80, với cương vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Đảng bộ lãnh đạo thực hiện những chủ trương, chính sách mới của Đảng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ, đổi mới sản xuất kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh; ổn định kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh khuyến khích tinh thần năng động, tự chủ của các ngành và đơn vị kinh tế, coi trọng hạch toán kinh tế, tính hiệu quả của sản xuất, kinh doanh và lợi ích của người lao động. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và các nước khác đòi hỏi phải nghiên cứu và nhận thức đúng đắn chính sách kinh tế mới của Lênin. Đối với một nước tiểu nông muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, Lênin đã căn dặn: “Không phải bằng cách trực tiếp dựa vào nhiệt tình, mà là với nhiệt tình do cuộc cách mạng vĩ đại sinh ra, bằng cách khuyến khích lợi ích cá nhân, bằng sự quan tâm thiết thân của cá nhân, bằng cách áp dụng chế độ hạch toán kinh tế”[1].

Năm 1985, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đã viết loạt bài trên báo Nhân Dân tổng kết chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của thành phố từ sau ngày được giải phóng. Đó là những tổng kết có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn, đóng góp quan trọng để hình thành những quan điểm đổi mới của Đảng. Ý tưởng và cách làm của đồng chí Nguyễn Văn Linh và Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị lắng nghe, ủng hộ và gắn với nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn chung của Đảng để đi đến những quyết sách lớn. Về vấn này, không thể không nhắc tới cuộc làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh với các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công tháng 7/1983 tại Đà Lạt. Bước đột phá thứ hai là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa V (6/1985) xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp chuyển sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ thay đổi chính sách về giá cả, tiền lương và tiền tệ. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu và Bộ Chính trị.

Cuối năm 1985 đầu năm 1986, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do những khuyết điểm trong cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền (9/1985). Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết tâm lãnh đạo khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới tư duy và cơ chế chính sách. Tháng 6/1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư và được phân công Thường trực Ban Bí thư. Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ Chính trị đã họp tháng 8/1986 và đi tới những kết luận quan trọng, nhấn mạnh đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý và 3 chương trình kinh tế lớn. Đó là bước đột phá thứ ba rất quan trọng của quá trình hình thành đường lối đổi mới. Với tư duy lý luận mới và quá trình khảo nghiệm thực tiễn, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Văn Linh và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa V đã chỉ đạo chặt chẽ xây dựng các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) có tầm quan trọng đặc biệt. Đại hội đã quyết định đường lối đổi mới, mở ra thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới, những quan điểm, cơ chế và chính sách mới. Đảng quyết định tập trung đổi mới kinh tế với chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ; xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, chú trọng hạch toán kinh tế, kết hợp đúng đắn kế hoạch hóa với cơ chế thị trường; tập trung thực hiện chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm, chương trình hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đổi mới các chính sách xã hội, chăm lo lợi ích và cuộc sống của người lao động. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chú trọng đề ra chính sách, pháp luật, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đổi mới sự lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng và quản lý của Nhà nước; nâng cao năng lực quản lý đất nước, xã hội bằng pháp luật. Nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ. Nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”[2].

Đại hội VI của Đảng đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Với trọng trách nặng nề trước Đảng và nhân dân, đất nước, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa và hiện thực hóa đường lối đổi mới, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, vượt qua những khó khăn, thách thức ở trong nước và trên thế giới.

Triển khai thực hiện đường lối đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm những việc cần làm ngay, kết hợp chặt chẽ nói và làm. Những bài của đồng chí trên báo Nhân Dân ký tên "NVL" có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, sự trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tạo nên phong cách công tác mới, phê phán sự im lặng đáng sợ.

Tại lớp nghiên cứu Nghị quyết Đại hội VI tổ chức tháng 5/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu trọng tâm hướng vào Đổi mới tư duy và phong cách. Đồng chí nhấn mạnh: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rằng thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không như thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai họa thật sự - những tai họa không phải do bản chất của chế độ chúng ta gây ra mà là do khuyết điểm của chúng ta gây ra”[3]. Đồng chí nêu rõ: “Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và vận dụng chúng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề ra các ý kiến mới, nói đến việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động”[4].

Những chính sách cụ thể rất có ý nghĩa đã được Đảng, Nhà nước quyết định ngay khi bước vào đổi mới làm chuyển biến quan trọng tình hình kinh tế-xã hội. Quyết định 217-HĐBT (11/1987) trao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp quốc doanh. Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội khóa VIII thông qua (12/1987) và có hiệu lực từ 1/1/1988. Đặc biệt Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (5/4/1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân với quy mô hợp lý và ổn định trong 15 năm. Kinh tế hộ trong nông nghiệp tạo ra động lực mới cho sự phát triển nền kinh tế. Vụ mùa năm 1988 được mùa lớn. Năm 1989, Việt Nam từ nước thiếu đói, nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực thứ 3 trên thế giới, bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước. Cuối năm 1988, thực hiện tiền tệ hóa tiền lương, bỏ chế độ phân phối theo định lượng bởi tem phiếu. Từ nền kinh tế hiện vật chuyển dần sang kinh tế hàng hóa, điều tiết theo thị trường với sự quản lý hướng dẫn của Nhà nước. Đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.

Khi Việt Nam đổi mới, các nước xã hội chủ nghĩa khác đang đẩy mạnh cải cách, mở cửa, cải tổ. Trên thực tế, công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã không mang lại kết quả và có những sai lầm trong nhận thức, quan điểm và chính sách, giải pháp. Khi các nhà lãnh đạo tuyên bố cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn, nhưng lại xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, của chủ nghĩa xã hội khoa học, cùng với những sai lầm chính trị đã đưa các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng dẫn tới sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội mà lẽ ra có thể sửa chữa, khắc phục được những khuyết tật.

Với bản lĩnh và sự nhạy cảm về chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (3/1989) bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới không đi chệch hướng. Đổi mới nhưng không xa rời con đường, mục tiêu xã hội chủ nghĩa - con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin - nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phê phán khuynh hướng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, âm mưu đa nguyên, đa đảng. Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ phải đi đôi với tập trung với kỷ luật, pháp luật, với ý thức, trách nhiệm công dân, dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Từ bài học không thành công của cải tổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thấy rõ sự cần thiết và cấp thiết giữ vững mặt trận tư tưởng, lý luận, kiên quyết phê phán những sai trái, lệch lạc về tư tưởng, lý luận chính trị, chống “diễn biến hòa bình”, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và ý chí, hành động trong Đảng và xã hội ở thời điểm khó khăn, phức tạp nhất. Tăng cường công tác vận động quần chúng để củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận xã hội để tạo nên những bước chuyển biến căn bản trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ngăn chặn có hiệu quả những tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời kiên quyết trấn áp những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất coi trọng tư duy mới trong quan hệ đối ngoại. Sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng là ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về đổi mới tư duy, điều chỉnh đường lối đối ngoại, tập trung giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển kinh tế. Sau chiến thắng 7/1/1979 đánh đổ chế độ diệt chủng PônPốt bảo vệ biên giới Tây-Nam, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, quân đội và chuyên gia Việt Nam theo yêu cầu của bạn đã ở lại giúp chính quyền và nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước. Khi phía bạn đã tự bảo vệ được, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quyết định rút quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về nước. Nhiệm vụ đó được hoàn thành ngày 29/9/1989 mở đường cho việc giải quyết vấn đề Campuchia và khai thông quan hệ với các nước lớn. Ngày 6/11/1989, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh có thông điệp tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khẳng định, phía Việt Nam sẵn sàng gặp lại phía Trung Quốc trao đổi các bước có thể về bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngày 12/12/1989, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nêu rõ, lãnh đạo Trung Quốc chân thành mong muốn bình thường hóa quan hệ hai nước. Tại Thành Đô (Trung Quốc) ngày 3/9/1990, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Cố vấn Phạm Văn Đồng đã có cuộc gặp gỡ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng về vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 18/9/1990, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là khách mời đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc dự khai mạc Á vận hội tại Bắc Kinh. Ngày 5/11/1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc, ký Tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ hai nước. Đó là sự thể hiện nhất quán tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam là bạn của tất cả các nước, không gây thù oán với một ai.

Trong nhiệm kỳ khóa VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh để trình Đại hội VII của Đảng. Đồng chí cũng chỉ đạo việc sửa đổi Hiến pháp 1980 và đã đi tới thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp 1992 phù hợp với thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Về xây dựng Cương lĩnh, đã phát triển tư duy mới về lý luận, chú trọng tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước, thảo luận và phát huy trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của các đồng chí cố vấn, các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ và các nhà khoa học. Cương lĩnh xây dựng đất nhước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII (6/1991) thông qua là bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cương lĩnh đã tổng kết những bài học lớn của cách mạng Việt Nam; đã đề cập toàn diện về nội dung, hình thức, bước đi đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; nêu lên 6 đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những vấn đề về nền tảng tư tưởng, lý luận, hệ thống chính trị, chế độ kinh tế, cơ cấu xã hội, giá trị văn hóa, con người, quyền làm chủ của nhân dân và đại đoàn kết dân tộc, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đã được làm sáng tỏ. Cương lĩnh đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Đọc báo cáo tại Đại hội VII của Đảng, Tổng Bí thư khóa VI Nguyễn Văn Linh khẳng định quyết tâm đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”[5].

Sau Đại hội VII của Đảng (6/1991), trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục đóng góp vào sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói giảm nghèo, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố độc lập chủ quyền dân tộc dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ đối ngoại trong thời kỳ kết thúc chiến tranh lạnh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Trung ương chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Bác Hồ.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015), càng thêm tự hào và biết ơn một người con của dân tộc Việt Nam, của quê hương Hưng Yên giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng, một người đảng viên Cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nghiệp đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước không ngừng phát triển sẽ mãi mãi nhớ về nhà lãnh đạo đã góp phần to lớn hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng./.


[1] Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, trang 189.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 92.

[3] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, trang 30.

[4] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, trang 31.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, tập 51, trang 13 - 14.

        PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc 
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực