Dùng công nghệ bảo tồn giá trị chữ viết của dân tộc Mnông

Thứ sáu, 21/02/2020 14:50
(ĐCSVN) - Với mong muốn lồng ghép việc bảo tồn giá trị chữ viết của dân tộc Mnông phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giao tiếp của các đối tượng trong xã hội, phần mềm “Từ điển Việt – Mnông, Mnông - Việt trên điện thoại hệ điều hành android” đã ra đời giúp người dùng không phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm, hỗ trợ việc tra cứu mọi lúc, mọi nơi.

Đại diện nhóm tác giả của sáng kiến này, thầy giáo  Văn Thành Đạt, giáo viên trường THPT Đăk Glong (Đắk Nông) cho biết, dân tộc Mnông là một trong số 54 dân tộc Việt Nam, địa bàn cư trú trải dài qua các tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước và tập trung đông nhất tại Đắk Nông. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa và bảo tồn chữ viết của người dân tộc là công việc luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. 

"Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt khi mà điện thoại thông minh đã dần trở nên phổ biến, tình cờ đọc báo mạng tôi được biết năm 2018, lượng người sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành android chiếm 85,9% thị phần di động nên đã nảy sinh ý tưởng xây dựng phần mềm “Từ điển Việt – Mnông, Mnông - Việt trên điện thoại hệ điều hành android”, tạo cơ hội để người dùng có thể tra cứu thông tin trên một giao diện thân thiện, phục vụ tốt cho nhu cầu tra cứu, học tập, giảng dạy cũng như giao tiếp cho mọi đối tượng ở mọi lúc, mọi nơi", thầy Đạt chia sẻ. 

Dù vậy, khi bắt tay vào xây dựng phần mềm khó khăn mà nhóm tác giả phải đối mặt không phải là ít. "Phần mềm Từ điển VMDictionary2009 (Việt - Mnông, Mnông - Việt) được viết dưới dạng đóng gói (file *.exe) trên hệ điều hành Windows 32bit nên không thể kế thừa hoặc tận dụng được gói cơ sở dữ liệu sang smartphone do khác hệ điều hành. Do không tiếp cận được file mềm các “Tài liệu học tiếng Mnông (Preh)”; “Từ điển Việt – Mnông; Mnông - Việt” nên bắt buộc phải nhập thủ công. Hiện, chúng tôi đã nhập được hơn 13.000 từ kèm theo các ví dụ minh họa, đảm bảo tính chính xác, khoa học, đáp ứng được nhu cầu tra cứu của người dùng", thầy cho biết.

 Thầy Văn Thành Đạt cùng học sinh trải nghiệm ứng dụng 

Khó khăn vẫn chưa hết khi trong quá trình sử dụng, nội dung tra cứu từ tiếng Việt qua tiếng Mnông đã hoàn thiện nhưng khi tra cứu ngược lại từ tiếng Mnông qua tiếng Việt hoặc thêm từ thì không thể thực hiện được do không có “bộ gõ” các ký tự đặc biệt trong tiếng Mnông. Hiện chỉ trên máy tính sử dụng hệ điều hành windows mới có các phần mềm TâyNguyênKey, VNKey, Chamkey cho phép người dùng gõ được các ký tự đặc biệt của tiếng Mnông còn trên điện thoại chưa có ứng dụng này. 

"Nếu không có công cụ hỗ trợ này, phần mềm sẽ bị giới hạn, người Mnông cần học tiếng Việt phục vụ giao tiếp sẽ không thể tiếp cận. Ngoài ra, người dùng chỉ có thể tra cứu từ tiếng Việt qua tiếng Mnông, không thể tương tác thêm từ, bớt từ… dẫn tới bị giới hạn chức năng và mục đích sử dụng. Từ đó, tôi đã suy nghĩ về yêu cầu bắt buộc phải có một công cụ hỗ trợ cho phép người dùng gõ được các ký tự đặc biệt của tiếng Mnông ứng dụng ngay trên điện thoại và “Bàn phím Mnông” tôi tạo ra đã đáp ứng được yêu cầu đó. Phần mềm cho phép người dùng ngoài việc gõ các ký tự phổ biến (10 ký tự số, 29 ký tự tiếng Việt phổ thông) còn có thể gõ được 12 ký tự đặc biệt trong ngôn ngữ Mnông, tra cứu từ điển theo chiều Mnông - Việt, đồng thời tương tác vào cơ sở dữ liệu bằng cách thêm từ, tạo ghi chú… giúp người sử dụng thao tác trên các ứng dụng khác như: nhắn tin, danh bạ, gmail, faebook bằng điện thoại android.

Trên cơ sở kế thừa mã nguồn mở từ điển Anh – Việt đơn giản với chức năng tra cứu thông tin một chiều, tác giả đã điều chỉnh lại thành từ điển Việt – Mnông đồng thời cải tiến sản phẩm cho phép tra cứu thông tin hai chiều Việt – Mnông và Mnông - Việt và những tính năng thích hợp hơn. Đáng chú ý, phần mềm có dung lượng tương đối nhỏ (gần 7.8 MB), không chiếm nhiều dung lượng bộ nhớ và tương thích với tất cả sản phẩm điện thoại sử dụng hệ điều hành android hiện nay trên thị trường và sử dụng được ở trạng thái offline nên rất tiện lợi cho người dùng.

Cơ sở dữ liệu được nhập thủ công trên cơ sở các bản tài liệu giấy đã phát hành do UBND tỉnh Đắk Nông biên soạn nên đã được kiểm định các mục từ, ngữ pháp hoàn toàn chính xác, đảm bảo tính khoa học và sẽ tiếp tục được phát triển trong thời gian tới phục vụ tốt hơn nhu cầu tra cứu của người dùng. Người dùng có thể tương tác trực tiếp với phần mềm trên điện thoại cá nhân, cho phép tự lưu lại các mục từ của riêng mình thành một kho từ vựng cá nhân trong phần ghi chú hay sử dụng các chức năng: Tra từ, Ngữ pháp, Sử dụng từ, Hướng dẫn, Luyện tập, Lịch sử luyện tập... phù hợp với nhu cầu sử dụng đa mục đích của mỗi người. 

Thầy Văn Thành Đạt (thứ 3 từ phải qua) nhận giải thưởng cao nhất từ chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 

Thầy giáo  Văn Thành Đạt thông tin, năm 2018, phần mềm đã được giới thiệu cho các giáo viên giảng dạy tiếng Mnông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đăk Nông bởi phần mềm xây dựng theo Mnông-Preh tương thích với chương trình dạy học của Trung tâm. Đây cũng là tiếng dân tộc chính được Đài phát thanh của địa phương sử dụng và là thứ tiếng được VOV phát từ năm 2017. Phần mềm được tải lên kho ứng dụng và được sử dụng miễn phí, ai cũng có thể tải về. Đáng mừng là trên kho ứng dụng, người dùng đánh giá phần mềm này với số điểm tương đối cao.

Tại chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 - chương trình được tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến, phần mềm “Từ điển Việt - Mnông, Mnông - Việt trên điện thoại hệ điều hành Android” đã xuất sắc vượt qua trên 530 công trình, sáng kiến, là một trong 05 công trình, sáng kiến nhận giải thưởng cao nhất trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.

Nói về hướng phát triển, thầy Đạt bày tỏ mong muốn những hạn chế của phần mềm đã được nhận thấy cũng như được các thành viên Hội đồng giám khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” góp ý sẽ sớm được khắc phục. "Tôi và đồng tác giả Nguyễn Văn Nam sẽ nhờ các cơ quan nhà nước về giáo dục và sở hữu trí tuệ góp ý chỉnh sửa để hoàn thiện sản phẩm đảm bảo tính đúng đắn và tính pháp lí cho người sử dụng. Phần mềm là bước đầu trong việc xây dựng bộ phần mềm từ điển các dân tộc thiểu số như: Chăm, Tày- Nùng, Mông, Thái, Ê đê, Jrai, Bahnar, Xơ Đăng... hoặc tích hợp chung trong cùng một phần mềm. Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dụng các phần mềm tương tự cho những chữ dân tộc đã được dạy ở các trường học lâu dài, sẽ xây dựng bộ từ điển của 27 trong số 54 dân tộc có chữ viết, cập nhật thêm tính năng chia sẻ mạng xã hội ngay trong phần mềm. Đồng thời, mở rộng thêm tính năng vừa sử dụng offline và online, khi sử dụng online người dùng sử dụng một cơ sở dữ liệu chung. Số lượng các mục từ tiếp tục được cập nhật nhiều hơn, dữ liệu lớn hơn, có cả âm thanh, hình ảnh minh họa trong từng mục từ. Bàn phím Mnông tiếp tục cải tiến thân thiện với người dùng hơn nữa và tạo thêm một phiên bản tương tự chạy trên hệ điều hành IOS của Iphone", thầy Đạt chia sẻ.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực