Gắn biển tên phố mang tên cán bộ Công đoàn

Chủ nhật, 02/04/2023 17:54
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên một con phố ở quận Long Biên mang tên danh nhân Đào Hinh (Đặng Thiết Hán) là niềm tự hào rất lớn lao đối với gia đình và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ngày 2/4, Ủy ban nhân dân quận Long Biên, Hà Nội tổ chức gắn biển tên tuyến đường, phố được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt năm 2022 trong đó có tuyến phố mang tên danh nhân Đào Hinh - tức Đặng Thiết Hán, nguyên Ủy viên Ban Giám sát, nay là Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Long Biên cùng gia đình thực hiện nghi thức gắn biển phố Đào Hinh.

Tham dự có các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Thượng Tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng Tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phố Đào Hinh nằm trên địa bàn quận Long Biên, tại tổ dân phố 3 phường Việt Hưng, ngã ba giao cắt phố Huỳnh Văn Nghệ, tại điểm đối diện toà nhà N08-1 Khu đô thị Sài Đồng đến ngã ba giao ngõ 85 phố Vũ Đức Thận. Phố có độ dài 1.820m, rộng 30m (lòng đường 7,5m x 2 làn, dải phân cách giữa 3m, vỉa hè mỗi bên 6m.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên một con phố ở quận Long Biên mang tên danh nhân Đào Hinh (Đặng Thiết Hán) là niềm tự hào rất lớn lao đối với gia đình và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

"Danh nhân Đào Hinh là trí thức yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động ở cả hai miền đất nước trước năm 1945, giữ vững khí tiết người cộng sản trong lao tù Côn Đảo. Đặc biệt, ông có 13 năm tôi rèn trong phong trào công nhân nhà máy rượu, nhà máy Aviat Hà Nội, là Bí thư công nhân cứu quốc khu miền nam Hà Nội, được Đại hội công đoàn lần thứ nhất (1950) bầu chọn là Ủy viên Ban Giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Danh nhân Đào Hinh (thứ hai từ phải sang) cùng các lãnh đạo thời kỳ đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Phố được mang tên danh nhân Đào Hinh đúng vào dịp cả nước đang tổ chức đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam càng có thêm nhiều ý nghĩa. Sự kiện này góp phần làm sáng rõ hơn bản sắc của tổ chức Công đoàn Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, luôn đồng hành với khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, hạnh phúc của dân tộc; là minh chứng thực tiễn về công tác Công đoàn để những ai yêu quý, gắn bó, cống hiến nổi bật cũng được xã hội ghi nhận”, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nói.

Danh nhân Đào Hinh (1894-1955) - là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con của quê hương Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội) kiên cường, bất khuất...

Ngày 20/6/1946, danh nhân Đào Hinh tham dự Hội nghị cán bộ Công đoàn. Tại hội nghị đã quyết định đổi tên “Hội Công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn”. Cũng tại hội nghị, danh nhân Đào Hinh mang bí danh “Đặng Thiết Hán”. 

Ngày 20/7/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức ra mắt, danh nhân Đào Hinh - tức Đặng Thiết Hán - được bầu vào Ban Thường vụ của Ban Chấp hành lâm thời Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trực tiếp phụ trách công tác Tuyên huấn và là Bí thư Đảng cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại Đại hội  Công đoàn Việt Nam lần thứ I diễn ra từ ngày 1/1 đến ngày 15/1/1950, tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, danh nhân Đào Hinh (Đặng Thiết Hán) được bầu vào Ban Giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực