Trong những năm gần đây, các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến công tác quy hoạch quỹ đất và đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Nhờ đó, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, loa đài, dụng cụ thể dục thể thao… dần được bổ sung, cải thiện cả về số lượng, quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, hiện Nhà văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào cơ sở, thu hút đông đảo công nhân viên chức-người lao động đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đồng thời góp phần tuyên truyền phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn.
Nhà văn hóa thôn 5, xã Nghĩa An, huyện Kbang được xây dựng mới khang trang
(Ảnh: Trung Kỳ)
Căn cứ chỉ đạo của Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí đạt danh hiệu thôn/làng văn hóa và thực tế địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã đề nghị Huyện/Thành ủy, Ủy ban nhân dân các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện/thị xã/thành phố thực hiện tốt công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa. Kết quả, 100% xã/thôn/làng/tổ dân phố đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất; nâng cấp và làm mới 60 nhà văn hóa xã, 12 sân thể thao xã, 230 nhà văn hóa thôn/làng, 12 sân thể thao thôn/làng với tổng kinh phí 138.848 triệu đồng trong đó vốn trực tiếp 64.270 triệu đồng, vốn lồng ghép 63.932 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 35 triệu đồng, vốn nhân dân 10.611 triệu đồng. Nhờ vậy, toàn tỉnh có 48 xã đạt danh hiệu xã văn hóa nông thôn mới.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, địa phương đang áp dụng nhiều chính sách huy động vốn từ ngân sách nhà nước cho xây dựng nông thôn mới như cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương, định mức phân bổ ngân sách chi đầu tư và chi thường xuyên, hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp thông qua cơ chế ưu đãi, miễn/giảm thuế… quy định huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn bởi họ có vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Huy động đúng sức dân cho xây dựng nông thôn mới nên người dân đồng tình, ủng hộ.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, từ năm 2013 tới nay, Sở đã tổ chức 40 lớp cho trên 5.000 lượt cán bộ các cấp thông qua các chuyên đề chính như xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, làm tốt hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng.
Có thể thấy rằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi giải trí trên địa bàn thực sự gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần triển khai tốt Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị cũng như người dân, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, cảnh quan môi trường, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật thiếu lành mạnh xuất hiện đã ảnh hưởng tới lối sống, đạo đức, thói quen hưởng thụ của một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ. Thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm tới văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ngày càng ít người biết và ít địa phương duy trì nghề truyền thống, một số loại hình văn hóa văn nghệ truyền thống.
Điều kiện địa hình, giao thông đi lại nhiều nơi không thuận lợi, thiết chế văn hóa không đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều, một số hủ tục vẫn tồn tại gây khó khăn cho công tác xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn tỉnh Gia Lai.
Không ít đất sử dụng cho các công trình văn hóa xã/thôn/làng quy hoạch không đủ diện tích quy định và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, dễ dẫn tới tranh chấp sau này.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cũng thừa nhận hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vẫn ở tình trạng thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp, chưa có nhiều công trình phù hợp với mức sống của nhân dân, cũng như đầu tư của Nhà nước cho văn hóa còn thấp.
Thời gian tới, Sở kiến nghị Trung ương cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị cho các làng văn hóa phục vụ mọi đối tượng, đặc biệt là thiết chế văn hóa phục vụ lứa tuổi thiếu niên nhi đồng; đồng thời cần có sự chỉ đạo thống nhất và sự phối hợp giữa các cơ quan, Ban, ngành để triển khai đồng bộ Quyết định 1780/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Đối với tỉnh, cần sớm bố trí quỹ đất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng thiết chế công đoàn khu công nghiệp trị giá 310 tỷ đồng cho công nhân lao động Khu kinh tế tỉnh./.