“Đào, phở và piano” là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của cặp uyên ương Hà Nội trong bối cảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 - 17/2/1947) bảo vệ Thủ đô. Anh tự vệ (diễn viên Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (diễn viên Cao Thùy Linh) thất lạc nhau trong trận chiến. Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Mượn câu chuyện tình dung dị và lãng mạn, bộ phim “Đào, Phở và Piano” toát lên khí chất bất khuất nhưng không kém phần lãng mạn của người Hà Nội trong thời chiến.
|
Poster phim "Đào, phở và piano". |
Mặc dù không phải một tác phẩm thương mại được quảng bá rầm rộ, “Đào, phở và piano” bất ngờ “hot” nhờ một TikToker đi xem phim và đánh giá, sau đó có sự "tiếp sức" của nhiều hội nhóm về phim ảnh lẫn showbiz trên mạng Facebook. "Đào, phở và piano" trở thành hiện tượng điện ảnh, là phim Nhà nước duy nhất "sốt" vé ở thời điểm vừa đón Tết Giáp Thìn dù có suất chiếu hạn chế.
Thậm chí, với lượng truy cập lớn, trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã bị “sập”, các suất chiếu cũng liên tục kín chỗ tới mức đơn vị phải mở thêm suất chiếu để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, doanh thu “Đào, phở và piano” tính đến tối 19/2 là hơn 505 triệu đồng - một con số khá ấn tượng đối với một phim Nhà nước chiếu có bán vé tại một rạp duy nhất (Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội). Tính riêng trong dịp cuối tuần qua, bộ phim bán được 2.234 vé với doanh thu 3 ngày là 134 triệu đồng.
Có lẽ lâu lắm rồi, phim đặt hàng của Nhà nước như “Đào, phở và piano” mới có doanh thu hơn 500 triệu đồng và những ngày tới sẽ còn tăng hơn nữa. Đây là một tin vui cho phim đặt hàng khi được khán giả ủng hộ do chất lượng phim hay. "Đào, phở và piano” vượt ra khỏi ấn tượng về một bộ phim chậm, an toàn mà các phim làm từ ngân sách thường thấy. Phim dù nhẹ nhàng nhưng có những tình tiết không thể đoán trước được nên khán giả bị cuốn theo. Đặc biệt hơn nữa, “Đào, phở và piano” là một bộ phim về đề tài lịch sử. Như vậy, không phải giới trẻ không quan tâm đến lịch sử như nhiều người ca thán mà vấn đề là lịch sử được truyền tải như thế nào mà thôi.
Khi phim "Đào, phở và piano” trở nên “hot” như hiện nay thì khán giả lại khó tiếp cận phim vì “do cơ chế" mà phim không thể phát hành, mua bán như phim tư nhân vẫn làm. Trước nhu cầu thưởng thức phim ngày càng tăng, Cục Điện ảnh cũng đã có đề xuất về việc phát hành "Đào, phở và piano" trên toàn quốc. Nhưng theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, "Đào, phở và piano" là phim do Nhà nước đặt hàng, cấp kinh phí sản xuất. Phim không có kinh phí phát hành phổ biến. Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, muốn phát hành phổ biến bộ phim đến các cụm rạp trên toàn quốc cần có phải quy định về tỷ lệ % doanh thu cho các đơn vị phát hành. Trong khi đó, chưa có quy định nào về tỷ lệ % doanh thu cho nhà phát hành khi phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng.
Thiết nghĩ, cho dù kinh phí Nhà nước nhưng Nhà nước cũng phải tính chuyện thu hồi vốn và có lãi để đầu tư phim tiếp theo. Phim làm từ ngân sách không có tiền cho truyền thông, nhưng lại muốn có doanh thu, thì đó là nghịch lý làm "đau đầu" nhiều nhà làm phim. Cơ chế do con người tạo ra thì con người có thể thay đổi nếu thấy không còn phù hợp. Việc đề xuất phát hành phim trên toàn quốc là câu chuyện của các cơ quan quản lý.
Vẫn còn quá sớm để nói về việc phim Nhà nước cạnh tranh với phim thương mại và xác lập vị thế ở phòng vé, nhưng hiện tượng “Đào, phở và piano” là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần một sự thay đổi toàn diện, không chỉ tư duy làm phim mà cả cách truyền thông sản phẩm.
Qua “Đào, phở và piano” chúng ta có thể tin tưởng rằng, cứ phim hay, kịch bản tốt thì sẽ có khán giả. Những thay đổi trong cách làm phim hy vọng có thể tạo một cú đột phá lớn của phim Việt thời gian tới./.