Giấy bản - Nghề truyền thống độc đáo của đồng bào Dao đỏ

Thứ sáu, 06/05/2022 11:30
(ĐCSVN) - Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Tây Bắc nói chung và ở Hà Giang nói riêng, từ bao đời nay vẫn giữ gìn, bảo tồn nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc. Nổi bật trong đó là kỹ thuật làm giấy bản được đúc rút và hoàn thiện qua nhiều thế hệ của dân tộc Dao đỏ.
 Nghề làm giấy phải làm hoàn toàn thủ công bằng tay rất cầu kỳ và tỉ mẩn.

Góp phần giữ gìn văn hóa, truyền thống dân tộc

Trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Dao, nghề làm giấy bản truyền thống có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng giấy bản đã gắn với đời sống của họ từ ngàn đời nay. Nghề làm giấy bản xuất hiện như một điều thiết yếu bởi người Dao có văn hóa, có tiếng nói, có chữ viết riêng. Từ khi có giấy bản, người Dao sử dụng chúng vào việc đóng thành quyển dùng viết chữ Dao để ghi lại lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống của dân tộc Dao...

Nhờ đặc tính dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản thường rất khó phai mà những tri thức của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ con cháu. Ngoài ra, người Dao Đỏ dùng giấy bản trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, tết, như Lễ cấp sắc, Lễ cầu an, Lễ cầu mùa... Giấy được cắt thành nhiều mảnh nhỏ bằng nhau hình chữ nhật và in họa tiết để làm tiền vàng cúng cho người âm.

Nghề làm giấy bản của người Dao đỏ đòi hỏi rất nhiều công sức, sự tỉ mỉ và thời gian. Các công đoạn làm ra sản phẩm chủ yếu là làm thủ công, không có máy móc, nên nghề làm giấy không những đòi hỏi người sản xuất phải có sức khỏe mà còn phải khéo léo và kiên trì. Từng tập giấy bản ra đời đã thể hiện văn hóa bản địa vừa toát lên tâm hồn, trí tuệ của người Dao qua đôi bàn tay tài hoa của người làm giấy.

Gặp gỡ thợ giấy Dương Tiến Son ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; vừa tỉ mẩn với từng công đoạn là giấy, vừa trò chuyện với mọi người, ông Dương Tiến Son cho biết: Khi làm giấy người thợ sẽ xếp thành từng bục. Mỗi bục chỉ được phép làm 80 thếp giấy chứ không được làm hơn hoặc kém. Con số 80 có liên hệ đến sự may rủi trong quan niệm tâm linh của bà con dân tộc Dao từ xa xưa.

Quyết tâm giữ nghề

 Giấy bản là một sản phẩm có vai trò quan trọng và được sử dụng thường xuyên trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, tết, như Lễ cấp sắc, Lễ cầu an, Lễ cầu mùa... 

Để duy trì được nghề làm giấy, bản thân người thợ cũng phải lưu ý đến nguyên liệu sử dụng như: Cây vầu non và vỏ cây bo tạo keo liên kết, vôi để ngâm ủ nguyên liệu, nước tự nhiên để tráng.

Vì cây măng vầu thường phát triển theo mùa nên việc lấy được nguyên liệu cũng đòi hỏi nhiều công phu. Thông thường, cứ vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 cho đến hết tháng 3 âm lịch, khi những cây măng vầu non bắt đầu ra lá cũng là lúc các gia đình lên rừng cố chặt được càng nhiều vầu non càng tốt. Bởi nếu chặt chậm vầu già đi sẽ không thể làm được giấy.

Mỗi đoạn vầu được chia ra từng đoạn dài khoảng 1m, chẻ thành 4 miếng rồi bó lại ngâm với nước vôi. Vầu phải ngâm nước vôi ít nhất là 2 tháng mới được vớt ra ngâm trong nước sạch khoảng 30 ngày là sẽ mềm nhũn như sợi bún. Vầu sau khi ngâm ủ sẽ được cho vào những cái bể có hình lòng máng dài khoảng 2m, rộng 1m và dùng chân nhồi vò cho đến khi thành bột.

Sau khi có được bột, người Dao đỏ cũng sẽ vớt bột giấy cho vào chậu hòa với nước lã một tỷ lệ nhất định, lượng nước và bột giấy ngang nhau, nếu cho nhiều nước quá bột giấy sẽ loãng, còn nếu cho ít nước bột giấy sẽ đặc. Tiếp theo, những người thợ lành nghề sẽ lấy phần cây bo đã ngâm với nước trước đó nửa tháng để tạo độ kết dính. Nước nhựa bo ấy khoắng với bột vầu tạo thành hỗn hợp màu nâu sẫm rồi mới cho vào khuôn.

Xong hết các khâu chuẩn bị, lúc này người làm giấy dùng tấm sàng được làm bằng tre để khua, lắng vớt, tạo ra những màng bột mỏng, đó chính là giấy bản. Cứ thế, lớp nọ vớt lên xếp lên lớp kia, ép thủ công cho kiệt nước rồi mang ra phơi vài nắng để có được những tấm giấy bản màu vàng nhạt, dai, rất thấm mực. Mỗi thếp giấy thành phẩm được xếp thành từng bục, từng bục đợi ngày đem ra chợ bán.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu, ghề làm giấy bản thủ công của người Dao đỏ tại thôn Thanh Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2018./.

Bài, ảnh: Trần Thị Thu Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực