Hà Giang: Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các điểm du lịch

Thứ sáu, 20/12/2019 16:26
(ĐCSVN) - Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 1216/CT- UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, giá trị địa chất của các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
leftcenterrightdel
Khu Di tích Nhà Vương – điểm tham quan du lịch tại huyện Đồng Văn, Hà Giang. 

Theo đó, trong thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích, các điểm du lịch, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý các điểm di tích, danh thắng, các điểm du lịch có lúc, có nơi còn buông lỏng để xảy ra tình trạng bị xâm lấn; công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo; công tác giới thiệu điểm đến chưa chuyên nghiệp, thiếu hấp dẫn; các dịch vụ hàng hóa không đảm bảo, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa của địa phương còn thiếu và chất lượng kém…đã làm ảnh hưởng đến uy tín; thương hiệu của sản phẩm như: Di tích  danh thắng Cột cờ Lũng Cú; Di tích kiến trúc Nhà Vương; Quần thể Phố cổ huyện Đồng Văn; danh thắng Mã Pì Lèng; di tích Tiểu khu cách mạng Trọng Con; điểm du lịch Hồ Noong; các điểm dừng chân ngắm cảnh trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn…đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh Hà Giang trong lòng du khách.

Nhằm chấn chỉnh các hoạt động trên, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu cho tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung quyết định phân cấp quản lý đối với các di sản văn hóa đã được xếp hạng; rà soát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích văn hóa; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di sản văn hóa, quản lý điểm du lịch cho cán bộ cấp huyện, xã có liên quan; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, các điểm du lịch ở địa phương.

Sở Công thương có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các địa phương tham mưu, đề xuất hình thành các điểm, trung tâm giới thiệu, bán các sản phẩm của dịa phương phục vụ khách du lịch. Lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng để mở rộng thị trường, tăng cường kết nối với các tổ chức như hàng không, đường sắt, nhà ga, siêu thị trong và ngoài nước để giới thiệu, quản bá các sản phẩm của địa phương. Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng, các huyện, thành phố của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các loại mặt hàng đảm bảo chất lượng; cấm các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; yêu cầu thực hiện niêm yết giá theo qui định. Công an tỉnh phối hợp với các chính quyền các địa phương, cơ sở tăng cường các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, chống mất cắp di vật, cổ vật tại các điểm di tích; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với khách nước ngoài đến Hà Giang theo qui định.

Đối với các huyện, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, du lịch, môi trường, kinh doanh hàng hóa… tới mọi người dân, các tổ chức, các cá nhân kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 989/QĐ- UBND ngày 01/6/2017 của UBND tỉnh về quản lý nghiêm hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tại các điểm di sản văn hóa, điểm du lịch phải có biển chỉ dẫn bằng 2 thứ tiếng Anh – Việt, có hướng dẫn viên trực hoặc cộng tác viên địa phương để giới thiệu phục vụ du khách; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi đến Hà Giang…/.                                                        

                                               

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực