Hà Nội đầu tư, phát triển ngành Công nghiệp văn hóa phù hợp

Thứ năm, 11/01/2024 22:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô tập trung rà soát, bổ sung các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu các lĩnh vực Công nghiệp văn hóa; xác định vùng, quận, huyện có sẵn lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành Công nghiệp văn hóa phù hợp.

Ngày 11/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nghiệm vụ ngành Văn hóa, Thể thao năm 2024.

Năm 2023, ngành Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã phối hợp tổ chức 2.230 các sự kiện với quy mô khác nhau, trong đó nổi bật là các sự kiện như Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội áo dài, Lễ hội Festival Thu Hà Nội… Thông qua hàng ngàn sự kiện được tổ chức đã tạo không khí sôi nổi, cảm hứng cho các hoạt động chung của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.  

Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” có chuyển biến mạnh, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy tốt vai trò tự quản của thôn, làng, tổ dân phố trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, văn hóa.

Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức thành công Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội lần thứ II, năm 2023; tham mưu triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư... Công tác tổ chức lễ hội trong năm 2023 cơ bản diễn ra an toàn, vui tươi.

Công tác quản lý di sản, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy thông qua việc xếp hạng di tích, công nhận Bảo vật quốc gia, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, việc đầu tư tu bổ các di tích. Các di tích danh thắng thuộc thành phố tiếp tục có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động.

Song song với đó, công tác quản lý, phát triển hoạt động thể dục thể thao được quan tâm chú trọng. Về thể thao thành tích cao, Đoàn Thể thao Hà Nội tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch Sea Games 32 - Campuchia và Asiad năm 2023. Nhiều môn thể thao tiếp tục duy trì là mạnh tại đấu trường trong nước và quốc tế như: Vật, Wushu, Karate, Bắn cung, Cầu mây, Billard& Snooker… Kịp thời khen thưởng và xây dựng những chế độ, chính sách, đảm bảo đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên yên tâm công tác và cống hiến cho ngành Thể thao Thủ đô. Về thể thao quần chúng, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” diễn ra rộng khắp trên toàn thành phố. Ý thức, nhận thức của nhân dân về việc luyện tập, tham gia các hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe ngày càng nâng cao trở thành nhu cầu thiết yếu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa Thủ đô cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; nhất là hoạt động quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, không gian phố đi bộ trên địa bàn thành phố, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa và thể thao còn chậm, bất cập, thiếu kịp thời. Việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích, các di tích quốc gia đặc biệt rất chậm; một số di tích đã xuống cấp, hư hại và có nguy cơ sụp đổ.

Năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2023 - 2025”, trong đó tập trung triển khai 19 đề án, kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao tập trung rà soát, bổ sung các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu các lĩnh vực Công nghiệp văn hóa; xác định vùng, quận, huyện có sẵn lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành Công nghiệp văn hóa phù hợp, phấn đấu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, người lao động, những người làm công tác Văn hóa và Thể thao Thủ đô đã đạt được trong năm 2023.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, với vai trò, vị thế, yêu cầu cần tháo gỡ, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách, quy hoạch cho lĩnh vực văn hóa để kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương cần bổ sung danh mục đầu tư cho lĩnh vực thể thao và nghệ thuật. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai hiệu quả Công nghiệp văn hóa; thực hiện bài bản, tổng thể chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa…

Dịp này, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân.

 

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực