Hà Nội luôn xứng đáng là trái tim của cả nước​

Thứ bảy, 10/10/2020 07:33
(ĐCSVN) - Phát huy truyền thống vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Hà Nội chung sức đồng lòng phấn đấu đưa Thành phố phát triển nhanh, bền vững để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Đại đoàn quân Giải phóng từ các cửa ô tiến về giải phóng Thủ đô 10.10/1954. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp được sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, dã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thà hy sinh tát cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm diễn ra vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Theo Hiệp dịnh Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng uỷ tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Uỷ ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính… Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.

 Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo bộ, ngành và Hà Nội cắt băng khánh thành cầu vượt tại nút giao giữa đường Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. Ảnh: dangcongsan.vn.

Trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Ở vùng ngoại thành, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thuỷ lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Phong trào "Ngày thứ Bẩy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc" do Nhà máy xe lửa Gia Lâm khởi xướng; phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa" được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội càng sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên Thủ đô đã dấy lên phong trào "Ba sẵn sàng"; phụ nữ Thủ đô dấy lên phong trào "Ba đảm đang" và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước. Ngày 29/6/1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô Hà Nội. Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không". Chiến thắng đó là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vừa ra khỏi chiến tranh, lại phải đương đầu với những khó khăn, thử thách mới rất gay gắt, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch ra sức tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kể cả việc dùng thủ đoạn bao vây cấm vận, "diễn biến hòa bình". Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội một mặt khẩn trương khôi phục những cơ sở kinh tế, văn hóa bị chiến tranh tàn phá, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mặt khác cùng cả nước trăn trở tìm tòi, từng bước tháo gỡ khó khăn để đi lên.

Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối mới của Đảng, Thành uỷ Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được thành tựu nổi bật. Kinh tế liên tục tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang. Các cửa ngõ ra vào thành phố được mở rộng và xây dựng nhiều tuyến đường mới, xây dựng một số khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, mạng lưới thông tin liên lạc được mở rộng và trang bị hiện đại. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ rệt. Khoa học công nghệ có bước phát triển, mở rộng việc tuyển chọn các đề tài khoa học, thu hút các tổ chức, cá nhân mà khoa học tham gia. Y tế và công tác xã hội bảo đảm chăm sóc tốt sức khoẻ ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Văn hóa và thể dục thể thao luôn được thành phố quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển. An ninh - quốc phòng được giữ vững, đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình. Thế trận an ninh - quốc phòng toàn dân vững chắc, đó là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển trong hòa bình, ổn định và an toàn, xứng danh là "Thành phố vì hòa bình". Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Đảng bộ thành phố đã thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác đối ngoại được mở rộng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thiết lập mối quan hệ hữu nghị với trên 60 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật… giữa Thủ đô Hà Nội với các thủ đô và thành phố trên thế giới cũng diễn ra thường xuyên với nội dung phong phú, đa dạng. Hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt được kết quả đáng khích lệ, được chính quyền và nhân dân các địa phương đồng tình, trân trọng, góp phần thực hiện chủ trương: "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".

 Diện mạo của Thủ đô ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn. (Ảnh: Giang Huy).

Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (từ năm 2008 đến nay. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng đầu tư, phát triển. Lĩnh vực công nghiệp được tiếp tục phát triển. Ngành xây dựng tăng trưởng liên tục. Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất tăng cao. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục đạt và vượt dự toán. Vai trò vị trí kinh tế thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước.

Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội nhất định đảm bảo vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là trong cuộc đấu tranh này: “không có vùng cấm”, “không có “ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ” để củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền thành phố.

Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của văn hóa Tràng An, Xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã có những chuyển biến tích ực với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Các mô hình gia đình văn hóa, làng thôn bản văn hóa, tổ dân phố và đơn vị văn hóa dần dần đã được ổn định và tiếp tục phát huy vai trò tích cực. Tăng cường giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Hoạt động thể thao tiếp tục gặt hái nhiều thành công. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự xã hội được tập trung chỉ đạo, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Thành phố đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội với Thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế. Duy trì quan hệ đối ngoại quân sự với Lào, Campuchia, tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Hà Nội chung sức đồng lòng phấn đấu đưa Thành phố phát triển nhanh, bền vững để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại./.

                                                                                                                                                                                                      TS. Bùi Thế Đức

                                                                                                                                                           Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ;

                                                                                                                                                                                        Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực