Sông Bạch Ðằng là nơi đã diễn ra ba trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc vào các năm 938, 981, 1288 và mỗi trận đánh đều tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ðiều đặc biệt là trong các trận thủy chiến trên sông Bạch Ðằng, các vị danh tướng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Ðạo đều sử dụng cọc ngầm đóng trên sông để đánh giặc. Trải qua hàng trăm năm, nhiều cọc gỗ gắn liền với lịch sử dòng Bạch Ðằng vẫn còn đến ngày nay. Và đặc biệt hơn, nơi cung cấp cọc gỗ cho những trận đánh nổi tiếng ấy vẫn tồn tại, mà chứng tích sống là hai cây lim giếng Rừng ở kề bên sông Bạch Ðằng lịch sử.
|
Hai cây lim giếng Rừng là điểm di tích quan trọng thuộc cụm di tích lịch sử văn hoá chiến thắng Bạch Đằng. |
Hai cây lim giếng Rừng ở chân núi Tiên Sơn, phố Ðoàn Kết, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, dưới chân thành cổ Quảng Yên. Ðây là điểm di tích quan trọng thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Bạch Ðằng. Hai cây lim còn sót lại từ cánh rừng lim cổ thụ thời nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông năm 1288, và có thể xa hơn nữa, từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn. Vì lim thuộc loại gỗ cứng, lớn chậm, khi Ngô Quyền và Lê Hoàn đóng cọc gỗ trên sông Bạch Ðằng, có thể hai ông đã tận dụng những cánh rừng lim tươi tốt ngay bên sông Bạch Ðằng?
Nếu lấy mốc là chiến thắng Bạch Ðằng năm 1288 thì có thể nói hai cây lim giếng Rừng đã có tuổi thọ hơn 700 năm. Hai cây lim cùng nhiều địa danh gắn với "rừng" vẫn còn bảo tồn đến hôm nay như sông Rừng, chợ Rừng, giếng Rừng... đã chứng tỏ vùng đất ven sông Bạch Ðằng xưa kia là những cánh rừng lớn. Có thể quân đội của Ngô Quyền, Lê Hoàn, đặc biệt là trận Bạch Ðằng thời Trần Hưng Ðạo với Yết Kiêu được coi là người được giao chỉ huy và tổ chức xây dựng trận địa cọc trên sông, đã khai thác gỗ từ đây để đẽo thành cọc đóng trên sông Bạch Ðằng.
Sông Bạch Ðằng sâu, rộng và có lưu lượng dòng chảy rất lớn, nên cọc gỗ được sử dụng phải to, dài và nặng. Các cọc Bạch Ðằng được phát hiện chủ yếu là cọc lim có độ dài trung bình 2 m đến 2,8 m có cọc dài tới 3,2 m, đường kính từ 20 đến 25 cm. Lim thuộc loại gỗ rắn chắc nhưng không chịu được nước nếu ngâm lâu. Như vậy, khi các cọc gỗ được cắm xuống sông Bạch Ðằng, các thân cọc phải lớn hơn nữa. Từ đó có thể suy ra diện tích, thời gian phát triển của những cánh rừng lim, và độ lớn của những cây lim khi đó. Hai cây lim giếng Rừng, một cây cao khoảng 30 m, chu vi gốc 5,5 m, phần thân chính cao khoảng 6 m, cành lá xum suê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20 m. Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30 m, đường kính gốc tới 7,2 m, tán vươn dài tới 25 m. Bên dưới tán lim cổ thụ có một giếng cổ gọi là giếng Rừng. Hai cây lim giếng Rừng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 22-3-1988.
Hai cây lim giếng Rừng vừa có giá trị lớn về mặt lịch sử vừa có giá trị về mặt tự nhiên, lại khẳng định dấu tích của một cánh rừng lim cổ thụ ở khu vực này trước khi phát triển thành một khu đô thị. Trải qua bao năm tháng, hai cây lim vẫn xanh tươi, đã có ý kiến của nhà khoa học đề nghị cho nhân giống hai cây lim cổ thụ để trồng thành những rừng gỗ lim quý phục vụ sản xuất và đời sống. Ðến thăm bãi cọc Bạch Ðằng, các di tích gắn liền với chiến thắng Bạch Ðằng như đền thờ Trần Hưng Ðạo, miếu Vua bà và tận mắt ngắm nhìn hai cây lim cổ thụ, du khách sẽ thấy câu chuyện lịch sử cách đây hơn 700 năm gần gũi với thực tế hơn, bóng dáng người xưa như vẫn còn đâu đây.