Hành trình trở về cuốn nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện

Thứ bảy, 14/10/2023 11:58
(ĐCSVN) - Ngày 11/9/2023, tại Nhà Quốc hội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện đã được đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ trao trả kỷ vật chiến tranh là cuốn nhật ký của ông đã bị quân Mỹ thu giữ trong khi hai bên giao chiến cách đây 56 năm trước. Việc trao trả cuốn nhật ký được thực hiện trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân dịp Tổng thống Joe Biden thăm chính thức Việt Nam.

Sau hơn nửa tháng trở về từ sự kiện thay mặt Nhân dân Việt Nam và thay mặt các cựu chiến binh Việt Nam trao cho người Mỹ kỷ vật chiến tranh và được Bộ Quốc phòng Mỹ trao lại cuốn nhật ký chiến trường, như một biểu trưng của tinh thần “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện vẫn còn bồi hồi xúc động.

 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện và các đồng đội chung vui khi nhận lại cuốn nhật ký chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện hiện đang ở số nhà 52, phố Ngô Quang Bích, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Nhiều đồng đội của ông đã đến chia sẻ niềm vui, niềm tự hào và nghe ông kể lại hành trình trở về cuốn nhật ký chiến trường của ông bị người Mỹ thu giữ từ 56 năm trước tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Những người đồng đội của ông Thiện đã chuyền tay nhau để ngắm lại cuốn nhật ký mà Trường Đại học Harvard Kennedy (Mỹ) rất coi trọng khi tiến hành Dự án “Những di sản Chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá”. Dự án này nhằm tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ những thông tin mất tích và kỷ vật lịch sử cá nhân của tử sĩ Việt Nam. Những người thực hiện Dự án đã dùng phương pháp khoa học xử lý và dày công lưu giữ những dòng nhật ký ắp đầy tình thương yêu đồng đội, ắp đầy kỷ niệm khốc liệt chiến trường Miền Đông Nam Bộ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện, cùng nhiều kỷ vật chiến tranh khác.

Dù chỉ được nhận lại cuốn nhật ký không nguyên bản, nhưng ông Thiện khẳng định nét chữ và nội dung các trang nhật ký không có gì thay đổi. 

Cuốn nhật ký “Lương Thiện” với hơn nửa thế kỷ lưu lạc

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện hồi tưởng: Từ đầu mùa khô năm 1966, Mỹ đã cho máy bay rải chất độc màu da cam làm chết cây, rụng lá khắp rừng miền Đông Nam Bộ. Mỹ thả rất nhiều toán biệt kích thám báo để thăm dò. Trước những động thái của quân Mỹ trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Miền nhận định đây là một cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ và đây sẽ là một cuộc đọ sức lớn nhất giữa quân Mỹ và quân giải phóng Miền Nam.

Đúng như dự đoán, quân Mỹ mở cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” ở miền Đông Nam Bộ với tên gọi “Cuộc hành quân Junction City”. Đây là cuộc hành quân lớn nhất kể từ khi quân Mỹ đổ vào miền Nam. Mỹ đã tung vào cuộc hành quân này hầu như toàn bộ lực lượng bộ binh thiện chiến nhất gồm: Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”…

Cuộc hành quân Junction City bằng bộ binh bắt đầu từ tháng 2 năm 1967. Tháng 3 năm 1967, quân Mỹ tiến hành trận càn ác liệt quy mô lớn vào căn cứ của Tiểu đoàn phòng không 56 (hay còn gọi là d529) của ông Thiện ở Tây Ninh. Chính trong trận càn đó, trong khi chiến đấu, ông Thiện bị thất lạc cuốn nhật ký chiến trường, sau đó, cuốn nhật ký bị quân Mỹ thu giữ…

Với ông Nguyễn Văn Thiện, cuốn nhật ký là kỷ vật vô giá, vì khi viết nhật ký, ông Thiện muốn sau này con cháu mình biết được ông cha chúng từng đối mặt với những gian khổ như thế nào.

Cuốn nhật ký trở về…

Kể về sự trở về của cuốn nhật ký, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết: Đầu năm 2022, ông bất ngờ nhận được điện thoại từ nhóm nghiên cứu Trường Đại học Harvard Kennedy ở Mỹ hỏi về cuốn nhật ký chiến trường bị mất. Ông có chút hoài nghi, vì cuốn nhật ký năm xưa không có bất kỳ thông tin nào về họ tên, quê quán hay đơn vị, ngoài bút danh “Lương Thiện” được ông viết ở những trang đầu. Song những lần liên hệ sau đó và được nhóm nghiên cứu gửi ảnh chụp một số đoạn trong cuốn nhật ký, ông Thiện mới dần tin cuốn nhật ký của ông đang được lưu trữ cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất. Điều kỳ diệu nhất để nhóm nghiên cứu Trường Harvard Kennedy ở Mỹ tìm được chủ nhân cuốn nhật ký chính là những dòng ông viết thể hiện sự đau buồn tiếc thương về người anh kết nghĩa, người thủ trưởng và là đồng hương đã hy sinh. Trong cuốn nhật ký, ông Thiện đã viết rất rõ ràng, đầy đủ về quê quán của người đồng đội, người anh kết nghĩa đã hy sinh. Từ chi tiết này đã giúp nhóm nghiên cứu của Dự án “Những di sản Chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” tìm ra được ông Thiện.

Về kỷ niệm đau buồn này, ông Thiện bồi hồi, xúc động nhớ lại trong cuốn nhật ký đã viết: “Ngày 13/2 tức 24/1 âm lịch, một ngày đau khổ nhất. Vì rằng, một người anh, người đồng chí của tôi hy sinh trên bước đường công tác. Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, Tiền Hải, Thái Bình”.

Trang nhật ký đã giúp nhóm nghiên cứu của Dự án “Những di sản Chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” tìm ra được ông Nguyễn Văn Thiện

Nhớ về sự kiện này, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện bật khóc: “Tôi thương nhớ anh Xuân vô cùng. Tôi không thể nào quên được những kỷ niệm anh Xuân đã dành cho tôi nơi chiến trường ác liệt. Hôm anh Xuân hy sinh tôi không có mặt ở bên anh, ngay ngày hôm sau các đồng đội có chuyển cho tôi bốn kỷ vật anh Xuân gửi lại trước khi trút hơi thở cuối cùng với lời nhắn: “Các em cầm bốn thứ này giao lại cho chú em kết nghĩa của tôi là Thiện nhé! Một chiếc đồng hồ Poljot, một chiếc bật lửa, một chiếc đèn pin và một con dao găm. Các em nhắc chú Thiện giúp tôi nhé! Thiện có thể dùng ba thứ, còn chiếc đồng hồ thì giữ lại, nếu kết thúc chiến tranh mà Thiện còn sống trở về thì gửi lại cho vợ tôi, vì đó là kỷ vật vợ tôi mua tặng tôi trước khi lên đường vào Miền Nam đánh giặc…”.

Chiếc đồng hồ kỷ vật của liệt sỹ Xuân được ông Thiện giữ gìn như một báu vật. Năm 1970, đơn vị ông Thiện bắn rơi một chiếc máy bay của Mỹ, ông Thiện đã thu giữ được một mảnh vải dù từ chiếc máy bay bị rơi và dùng tấm dù đó luôn quấn chặt chiếc đồng hồ ở cổ tay phải. “Nếu bị chết vì bom thì chắc tan thây cùng chiếc đồng hồ, nếu bị thương thì đồng hồ vẫn trên cổ tay, nếu mất cánh tay thì mới chịu mất đồng hồ, anh Xuân thiêng lắm”- ông Thiện nói trong xúc động nghẹn ngào.

Năm 1976, ông Thiện rời quân ngũ mang theo chiếc đồng hồ về trao lại cho bà Xuân, bà Xuân đón nhận kỷ vật của chồng và đã mua một chiếc đĩa sứ rất đẹp, để lên đó chiếc đồng hồ, đặt lên ban thờ cùng di ảnh của chồng…

Trở lại câu chuyện khi đón nhận cuốn nhật ký sau 56 năm tưởng như mất tích, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Trong thời gian chờ đợi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Quốc hội hôm 11/9/2023, một Trung tướng người Mỹ đến bên tôi, ông ta bắt tay rồi tự giới thiệu bằng tiếng Việt Nam: “Tôi từng là chiến binh Sư đoàn 25 của quân đội Mỹ tham chiến cách nay hơn nửa thế kỷ tại chiến trường Nam Việt Nam, tôi với ông ở hai chiến tuyến, chắc gặp nhau ở nhiều trận đánh”. Tôi trả lời viên Trung tướng Mỹ: “Điều đó có giời mà biết được!”. Ông ta liền nở một nụ cười rất tươi. Một nhà báo nước ngoài (Mỹ) hỏi tôi bằng tiếng Việt: “Thưa ông, ông đang nói chuyện với một người Mỹ về kẻ thù và tình bạn! Thế theo quan điểm của ông, giữa Việt Nam và Mỹ bây giờ là bạn như thế nào?”. Tôi trả lời luôn: “Từ ngữ Việt Nam chúng tôi rất phong phú, chỉ một chữ bạn thôi những nhiều nghĩa lắm, bạn đời, bạn đường, bạn bè”. Phóng viên hỏi tiếp: “Vậy thưa ông! Việt Nam và Mỹ đang ở giai đoạn nào?”. Tôi trả lời: “Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam và Mỹ đang là bạn bè, cũng đồng thời là bạn đường, tôi nhấn mạnh bạn đường ở đây là bạn bè gặp nhau đi cùng một con đường, giúp nhau phát triển”. Nghe tôi trả lời nhà báo Mỹ như vậy, tất cả các nhà báo trong và ngoài nước có mặt trong hội trường đều cười rất tươi.

 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện nhận lại cuốn nhật ký từ đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ông Thiện cho biết thêm: “Tôi không ngờ rằng cuốn nhật ký đã lưu lạc 56 năm tại nước Mỹ xa xôi cách nửa vòng trái đất. Để rồi hôm nay tôi có may mắn và vinh dự tận hưởng giây phút nhận cuốn nhật ký trở về, đồng thời được thay mặt nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh Việt Nam trao lại cho người Mỹ kỷ vật chiến tranh, cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai hòa bình hạnh phúc cho hai dân tộc, hai đất nước, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden”.

…và những điều còn day dứt

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện có cha là liệt sỹ Nguyễn Văn Từ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Thiện đã ba lần viết đơn bằng máu xin được tòng quân và đến năm 1965 thì được nhập ngũ, được biên chế ở đơn vị đoàn 529. Ông Thiện có gần 10 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ. 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện và nhiều đồng đội của ông cho biết: Đơn vị ông từng nhiều lần trú quân và hành quân, chiến đấu trong các khu rừng bị quân Mỹ rải chất độc hóa học màu da cam. Ông Nguyễn Văn Thiện đã bị thương và được xếp hạng thương tật 2/4, rời quân ngũ năm 1976. Vợ ông là bà Trần Thị Hường cũng là thương binh hạng 4/4. Bà Hường nhập ngũ năm 1966 thuộc đơn vị Đoàn 559 tham gia chiến đấu tại nhiều trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn. Hiện nay, bà Hương là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Vợ chồng ông Thiện sinh được 4 người con, người con thứ 3 sinh năm 1980 bị di chứng chất độc màu da cam, chết sau khi sinh một giờ đồng hồ khi chưa kịp đặt tên. Ngày ấy, Nhà nước chưa có chính sách trợ cấp giành cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc trong chiến tranh, nên vợ chồng ông Thiện đã không phiền bệnh viện lập biên bản, cấp giấy chứng tử cho con.

Năm 2008, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ chi trả trợ cấp và có quyết định cho hai vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện và Trần Thị Hường hưởng chế độ trợ cấp đối với nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình lại có quyết định cắt chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của cả hai vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện với lý do hồ sơ không đủ cơ sở pháp lý?

Thiết nghĩ, việc cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện được nhận lại cuốn nhật ký chiến trường do quân đội Mỹ thu giữ từ hơn nửa thế kỷ trước là một niềm vinh dự và tự hào, không thể so sánh với việc được thụ hưởng hay không được thụ hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải khẳng định đây là một minh chứng rõ ràng rằng ông Nguyễn Văn Thiện có thời gian chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, trong vùng đế quốc Mỹ có sử dụng chất độc hóa học. Việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình có quyết định cắt chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện cần được xem xét lại cho thấu lý, thấu tình, đảm bảo công bằng, không để xảy ra những thiệt thòi đối với các cựu chiến binh, trong đó có những người bị nhiễm chất độc màu da cam./.

Mạnh Tùng - Công Liêm - Chí Tuệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực