Hình tượng người chiến sĩ Cộng sản trong văn học Việt Nam hiện nay

Thứ bảy, 03/02/2024 21:49
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 1960, nhân dịp Lễ kỷ niệm ba mươi năm thành lập Đảng (tổ chức ngày 5-1-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện (đăng báo Nhân Dân, số 2121, ra ngày 7-1-1960), trong đó Người viết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại”.
Tác phẩm Hừng Đông  (Nxb Văn học, 2020) là một trong những tác phẩm phản ánh, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước cao cả của các thế hệ người Việt Nam. 

Đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng, chiến tranh) đang phục hưng trên văn đàn những năm gần đây. Đặc biệt đáng quan tâm khi nhà văn đang cố gắng kéo lịch sử lại gần hơn với người đọc để nhằm tìm những câu trả lời quan trọng cho hiện tại theo động hướng tinh thần “ôn cố tri tân”. Những tiểu thuyết lịch sử xuất bản gần đây như Đường về Thăng Long (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019) của Nguyễn Thế Quang, Hừng Đông (Nxb Văn học, 2020) của Nguyễn Thế Kỷ, Người công giáo cộng sản (Nxb Văn học, 2020) của Trần Việt Trung, Gió bụi đầy trời (Nxb Hội Nhà văn, 2020) của Thiên Sơn là những tác phẩm phản ánh, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước cao cả của các thế hệ người Việt Nam. Người chiến sỹ Cộng sản- là hình tượng trung tâm thành công trong những tác phẩm kể trên.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vốn xuất thân là một thầy giáo dạy môn Lịch sử, Võ Nguyên Giáp sau này đã trở thành một biểu tượng “văn võ song toàn”. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang, phần “văn” của nhân vật Võ Nguyên Giáp thể hiện ở phẩm tính văn hóa của con người đặc biệt mẫn tiệp, kiên nhẫn trong sự chiếm lĩnh tri thức và văn hóa dân tộc, nhân loại. Người đọc chú ý đến một phẩm chất đặc biệt của nhân vật này, đó là tinh thần “dĩ công vi thượng”, tinh thần “thân dân”. Tiểu thuyết Đường về Thăng Long chỉ khoanh lại trong bối cảnh lịch sử những ngày bão táp trước và sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945). Người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão tố không ai khác là Lãnh tụ Hồ Chí Minh và những chiến binh - thủy thủ dạn dày kinh nghiệm sát cánh bên Người có những đồng chí trung kiên tuyệt vời như Võ Nguyên Giáp.   

Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902- 1941), một nhà hoạt động cách mạng tiền bối (Ủy viên  Ban Thường vụ Trung ương Đảng, 1938), hiện lên trong tác phẩm Hừng Đông của Nguyễn Thế Kỷ vừa với tư cách một đảng viên trung kiên, tài trí trong hoạt động cách mạng, vừa là một con người cụ thể, sinh động trong mối quan hệ mật thiết với gia đình, quê hương, đồng bào, đồng chí. Miêu tả nhân vật Phan Đăng Lưu, tác giả luôn chú trọng đến mối quan hệ máu thịt của người Cộng sản với nhân dân lao động, với tập thể các chiến sỹ cách mạng cùng thời như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn,...Vì thế tác phẩm vừa có cái toàn cảnh lịch sử vừa có cái cận cảnh đời người theo yêu cầu của nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử. Nghĩa là, lịch sử - cái “toàn cảnh” (biến cố, sự kiện, nhân vật), con người - nhân chứng (“cận cảnh”) tương tác hài hòa. Nhưng khi viết cái cận cảnh, yêu cầu của sáng tạo văn học hướng ngòi bút của nhà văn đi vào thế gới nội tâm nhân vật. Nếu cái toàn cảnh đòi hỏi tác giả trung thành với sự thật lịch sử thì cái cận cảnh cho phép nhà văn có thể/có quyền hư cấu trên cơ sở trí tưởng trượng phong phú của mình về số phận con người. Về phương diện phẩm chất người Cộng sản, đồng chí Phan Đăng Lưu thuộc thế hệ: “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai /Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu - Trăng trối, 1940).

Dấu chân đồng chí đã in khắp từ Bắc chí Nam, sang nước ngoài, đã từng bị giam cầm trong nhà tù thực dân,...Vượt lên trên tất cả những thử thách khắc nghiệt nhất của hoàn cảnh, đồng chí luôn kiên trì với xác tín “dĩ công vi thượng”, lấy lý tưởng Đảng và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống với tinh thần tận hiến. Nhưng nếu thiếu đi cái riêng, cái cá thể hóa thì tiểu thuyết Hừng Đông cũng chỉ dừng lại tư liệu - lịch sử, khó bề nhập vào địa hạt văn chương. Người đọc khi đó chỉ cần tìm hiểu nhân vật lịch sử Phan Đăng Lưu qua hồ sơ lưu trữ quốc gia. Người đọc sở dĩ hào hứng tiếp nhận tác phẩm này vì tác giả đã xây dựng thành công một nhân vật người trí thức - người cộng sản chân chính, đồng thời tìm thấy ở nhân vật này những nét rất người, dễ gần gũi, chia sẻ và cảm thông. Cái riêng tư của nhân vật Phan Đăng Lưu thể hiện qua tình nghĩa tao khang với người vợ hiền thục, chung thủy, tần tảo - chị Danh. Chị là người phụ nữ/ người vợ truyền thống (tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh), là người mẹ của hai con ngoan, chị có cái phẩm tính quý báu “vượng phu ích tử” mà cổ nhân thường tụng ca. Nét riêng tư của Phan Đăng Lưu khiến người đọc quan tâm thích thú chính là thế giới nội tâm phong phú của một con người hoàn thiện nhân cách. Ở nhân vật này, những suy cảm về đời sống trĩu nặng tâm tình về gia đình, quê hương, đồng bào, đồng chí.

Những đoạn trữ tình ngoại đề trong tác phẩm đã thực sự lôi cuốn người đọc: “Phan Đăng Lưu trở về quê nhà Yên Thành vào giữa mùa hè. Cánh đồng đã gặt xong, lúa phơi vàng trên những mảnh sân, con ngõ.  Gió phơn Tây Nam mà người dân quê anh gọi là gió Lào, thổi rạt những bờ tre, mái rạ. Dẫu vậy, Lưu vẫn cảm nhận trong đó có hương vị quá đỗi thân thuộc của thân cây lúa mới bị cắt bông, mùi chua chua của bùn đất và tiếng ve râm ran. Những thứ ấy, là cả một gia tài quý giá cho một người vừa thoát ra khỏi chốn lao tù cùng cực. Những ngày bị giam, lạ thay, thứ mà anh nhớ nhất lại là những ngọn khói. Bếp ở quê anh chủ yếu đun bằng rơm rạ. (.....). Phan Đăng Lưu nhớ khuôn mặt đỏ rực, bụi tro hòa lẫn những giọt mồ hôi của mẹ, khi dứng bên bậu cửa, tay cầm chiếc đũa cả còn dính mấy hạt gạo ướt. Trong bếp đã có mùi thơm thơm của cơm bén nồi, của cá kho tương với khế lẫn mùi của một ít hạt thóc lép cháy cùng với rơm rạ”. Đó là mạch trữ tình chảy thành dòng ngầm trong tác phẩm khiến cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về một nhân vật có thật trong lịch sử Đảng trở nên mềm mại, cuốn hút người đọc.

Đồng chí Trần Tử Bình (1907-1967, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948, ở Thủ đô Hà Nội có phố Trần Tử Bình) là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Người công giáo cộng sản của Trần Việt Trung. Người đọc như được sống lại một thời kỳ bão táp cách mạng, như được kề vai sát cánh cùng chiến hào với những người chiến sĩ Cộng sản của một thế hệ kim cương. Nhân vật Trần Tử Bình được miêu tả từ lúc sinh ra, lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng, trưởng thành theo trình tự thời gian. Khi viết, tác giả chú trọng đặt nhân vật chính trong một không gian - thời gian có tính chất địa - chính trị và địa - văn hóa. Quê hương nơi đồng chí Trần Tử Bình sinh ra, lớn lên là vùng công giáo thuộc phủ Lý Nhân xưa (sau đổi tên thành tỉnh Hà Nam, dưới thời vua Thành Thái). Đây là vùng nông thôn chiêm trũng, nghèo khó. Nhưng kỳ lạ thay, như một nghịch lý, chính những nơi nghèo khó nhất thường sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt. Gia đình đồng chí Trần Tử Bình theo đạo trong một làng (có tên Đồng Chuối) công giáo toàn tòng. Chúng ta biết, nơi sinh ra một con người có ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành sau này (về nhãn quan, về nhân cách, về lối sống, cao hơn là văn hóa ứng xử). Người công giáo có đức tin mạnh mẽ về lẽ phải, sự công bằng và sống thanh sạch theo giáo lý. Tất cả các nhân tố tốt đẹp của một không gian văn hóa như thế hun đúc nên những phẩm chất cần thiết để cho cậu bé Phạm Văn Phu (sau này khi tham gia hoạt động cách mạng có bí danh là Trần Tử Bình) hình thành và phát triển một nhân cách toàn vẹn.

Tác giả đã chú ý đến những “bước ngoặt” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Tử Bình. Bắt đầu từ phần III (bước ngoặt), phần IV (chuyển mình), phần V (vượt ngục), phần VI (cánh chim vượt giông tố), phần VII (cuộc đại vượt ngục lịch sử), phần IX (khởi nghĩa Hưng Yên), phần X (trước và sau ngày Lễ Độc Lập), phần XIV (vị đại sứ và lễ Trình quốc thư trong đêm), phần XVI (quyết tâm của người cộng sản),... Tiểu thuyết thường viết về cả quá trình của một đời người, với những “điểm nhấn của số phận”, nơi khúc xạ lịch sử trong những thăng trầm của nó. Nhưng nhà văn cần dừng lại ở những điểm độc sáng. Có thể nói, đây là một tiểu thuyết về “lịch sử và nhân chứng” của một thời kỳ đáng nhớ trong tiến trình đấu tranh cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Nương theo tinh thần này, tác giả không chỉ chú trọng tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng mà còn quan tâm đến các nhân chứng lịch sử, vì chỉ có thông qua những con người cụ thể thì lịch sử mới được phục dựng một cách sinh động, đầy đủ, soi sáng đến từng chi tiết. Nếu Trần Tử Bình là nhân vật trung tâm thì có một “từ trường” lớn do nhân vật tạo nên, trong đó xuất hiện một cách trung thực các nhân vật khác như Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Trần Quang Huy, Nguyễn Bình, Lê Thiết Hùng,...Trần Tử Bình là một nhân vật - người anh hùng trong ý nghĩa đích thực của từ này là vì được đặt trong (và giữa) một tập thể anh hùng, vì không ai có thể một mình làm nên sự nghiệp.

Tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn đã nhận được đánh giá tốt của công luận trên báo chí. Điều đáng nói là, tiểu thuyết của Thiên Sơn viết về một thời kỳ lịch sử chưa xa - những ngày sục sôi khí thế Cách mạng Tháng Tám (1945), không khí hân hoan ngày Độc lập (2-9-1945) và những tháng ngày tiếp theo khi nhà nước Dân chủ nhân dân mới ra đời phải đối mặt với vô vàn thử thách cực kỳ cam go bởi thù trong, giặc ngoài, nạn đói, ngân khố cạn kiệt,...Con thuyền Cách mạng do Lãnh tụ Hồ Chí Minh cầm lái cùng với sự đoàn kết đồng lòng của các đảng viên trung kiên và những người yêu nước chân chính đã vượt qua bão tố ngoạn mục.

Nhớ lại một thời (Hồi ký của Tố Hữu, Hồ Quỳnh Tư ghi, Nxb Hội Nhà văn, 2000), gồm 10 chương (đánh số từ I/ Tuổi thơ đến X/ Toàn thắng về ta), ghi lại những chặng đường đời hơn sáu mươi năm hoạt động của một chiến sĩ cộng sản - một nhà thơ tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XX. Trong Cùng bạn đọc yêu quý (in đầu sách) nhà thơ Tố Hữu viết: “Tôi sẽ là một kẻ vô ơn, bất nghĩa, nếu không kể lại những tấm lòng trong sáng, những công lao cao quý của những đồng bào, đồng chí mà tôi được biết và mang nặng ân tình. Vì vậy, đã đến lúc tôi cần viết một bản hồi ký về cuộc đời chung tôi đã sống, trong đó có cuộc đời riêng của mình”.

Những câu chuyện được ghi lại trong tập hồi ký của nhà thơ Tố Hữu đã làm phát rạng phẩm chất văn hóa của người chiến sĩ Cộng sản. Cuối năm 1947, đồng chí Tố Hữu đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa được Trung ương điều động lên chiến khu Việt Bắc phụ trách công tác văn hóa. Lãnh đạo cao cấp của Đảng đầu tiên Tố Hữu tiếp xúc là đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư (lúc đó tên thường gọi là anh Nhân). Câu chuyện mở đầu giữa hai người là câu chuyện văn hóa, khi đồng chí Trường Chinh đặt câu hỏi:  "- Này! Theo ý anh thì Gorki là lãng mạn hay hiện thực?

Tôi thật bất ngờ. Làm sao trong tình thế nguy kịch này mà anh lại điềm nhiên suy nghĩ về văn chương như thế được. Nhưng cũng rất thích và mừng thầm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng mình trong tình thế hiểm nghèo mà vẫn bình tĩnh nghĩ đến cả vấn đề văn hóa. Thật là thú vị. Vì vậy quên cả mệt nhọc, tôi cũng thưa chuyện ngay: -Thưa anh, tôi đọc được ít, nhưng nói đến Gorki thì ai cũng biết, hiển nhiên ông là một nhà văn hiện thực lớn của Liên Xô, thậm chí đó là người tiêu biểu cho nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Anh Trường Chinh ngắt lời tôi: -Dĩ nhiên là thế. Nhưng tôi muốn hỏi ý anh: Cuốn Người mẹ có tính lãng mạn?

Tôi đáp: -Theo tôi hiểu, hiện thực xã hội chủ nghĩa là vừa hiện thực vừa lãng mạn. Hiện thực mà lãng mạn vì nó nhắc tới “những ngày mai ca hát” như một nhà thơ Pháp nói. Đấy là chủ nghĩa lãng mạn cách mạng chứ không phải lãng mạn tiêu cực, không dựa trên hiện thực nào, như chủ nghĩa lãng mạn ở thế kỷ XIX hoặc ở ta, thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám.

 Anh Trường Chinh gật nhẹ đầu. Tôi không rõ anh có đồng ý thế không. Anh nói tiếp:

-Đây là vấn đề cần thận trọng. Người ta từng đối lập hiện thực với lãng mạn. Nhưng nghe anh nói, thấy cũng phải.

Tôi cao hứng tiếp: -Lênin nói: “Phải biết mơ mộng”. Gớt (Goethe), nhà thơ Đức, lại nói: " Phải hành động”. Nghe thì rất lạ, nhưng đúng thật, phải vừa hành động, phải vừa mơ mộng. Và vì thế, văn hóa phải vừa mang tính hiện thực, vừa mang tình lãng mạn”.

Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, hồi ký là một cách giúp người đọc “ôn cố tri tân” bằng nghệ thuật ngôn từ. Hiện đang có nhiều ý kiến trao đổi về nhân vật văn học của thời đại mới. Rất nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi sôi nổi. Nhưng hầu như chưa có ý kiến nào mạnh dạn đề xuất: người chiến sĩ Cộng sản chân chính cần thiết và xứng đáng trở thành nhân vật trung tâm của văn học hôm nay. Vì sao? Vì họ chính là những người đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường thiên lý mà anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã sáng suốt và dũng cảm lựa chọn ngay từ năm 1911./.

Nhà văn Bùi Việt Thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực