Hội An đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nguyên tiêu

Chủ nhật, 05/02/2023 13:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, việc đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An bên cạnh niềm phấn khởi, tự hào là trọng trách to lớn đặt ra cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến TP Hội An phải quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với bạn bè gần xa; góp phần xây dựng con người Hội An nhân tình thuần hậu…
 Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tay mặt lãnh đạo Bộ trao danh hiệu
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An cho đại diện lãnh đạo TP Hội An.

Sáng 5/2/2023 (nhằm Rằm tháng Giêng năm Quý Mão), tại Đình Hội An, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Hội An cùng đông đảo người dân và du khách tại TP Hội An; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương…

Thông tin tại buổi Lễ, đại diện UBND TP Hội An cho biết: Là một bộ phận cấu thành của Di sản Văn hóa Hội An, Di sản văn hóa Phi vật thể ở Hội An khá đa dạng về loại hình, giá trị và giàu bản sắc. Trong đó đã có 04 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế.

Riêng với Tết Nguyên tiêu, trong thời gian qua, di sản đã được các cấp chính quyền và cộng đồng cư dân ở Hội An quan tâm bảo tồn và phát huy hiệu quả. Sau thời gian nghiên cứu, lập hồ sơ, được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan liên quan từ Thành phố, tỉnh đến Trung ương, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Tết Nguyên Tiêu ở Hội An chính thức được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 147/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023.

Đây là sự tôn vinh đối với giá trị tiêu biểu của Di sản Tết Nguyên tiêu ở Hội An cũng như ghi nhận những nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản của các cấp chính quyền và Nhân dân Hội An trong quá trình gìn giữ và phát huy. Đồng thời, với việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cũng là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hội An quyết tâm hơn nữa, làm tốt nhiệm vụ: Bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia này.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hội An- Nguyễn Văn Lanh, giá trị đặc trưng của Tết Nguyên tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa tại đô thị thương cảng quốc tế Hội An. Vì thế, Tết Nguyên Tiêu ở Hội An bao đời nay không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng người Hoa cùng tổ chức các nghi thức tế lễ, các sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng trong dịp này, tạo thành một Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân Hội An.

“Vào dịp Tết Nguyên Tiêu tại Hội An, ở mỗi cộng đồng địa phương có tục lệ cúng tế riêng nhưng có cùng một đặc điểm chung đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân,... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời tổ chức lễ hội mừng xuân để chuẩn bị bước vào một năm mới với bao ước vọng tốt đẹp. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài xin lộc đầu năm ở nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn thành phố và các hội quán trong khu phố cổ Hội An. Trải qua thời gian, các tập tục, lễ nghi trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An tiếp tục được vun đắp, tô bồi những giá trị mới nhưng vẫn còn bảo tồn, gìn giữ được những yếu tố cơ bản, riêng có. Cho đến hiện nay, Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ hội truyền thống, tập tục lớn đầu năm của Hội An luôn được cộng đồng cư dân phố Hội nâng niu gìn giữ, phát huy trở thành một mỹ tục, một tập quán tốt đẹp và là “phần hồn” không thể tách rời của khu đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An”- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ.

Trước đó, trong phát biểu chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân TP Hội An tiếp tục quan tâm, nỗ lực phát huy tốt hơn nữa truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc, địa phương, qua đó không ngừng làm cho Hội An không ngừng phát triển và đậm đà bản sắc dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành từ lâu đời, là sự kế thừa sáng tạo của bao lớp cộng đồng cư dân Hội An, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay. Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An mang nhiều giá trị riêng về lịch sử, văn hóa; có tác động lớn và sâu sắc đến đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư; được cộng đồng dân cư trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy tích cực. Lễ hội góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Quảng Nam nói riêng, của đất nước nói chung.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Hồ Quang Bửu phát biểu chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân TP Hội An tiếp tục quan tâm, nỗ lực phát huy tốt hơn nữa truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc, địa phương, qua đó không ngừng làm cho Hội An không ngừng phát triển và đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo đồng chí Hồ Quang Bửu, suốt cả quá trình hình thành, nuôi dưỡng, phát triển qua hàng trăm năm bởi tình cảm và ý thức của cộng đồng cư dân Hội An đã hun đúc nên những giá trị đặc sắc của Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An để đến nay trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Đây là sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với di sản này, đồng thời là niềm vui, niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hội An, đặc biệt là các tầng lớp Nhân dân - những chủ thể di sản đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý: Chúng ta đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An trong niềm phấn khởi, tự hào nhưng đi cùng với đó là trọng trách to lớn đặt ra cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến TP Hội An phải quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với bạn bè gần xa; góp phần xây dựng con người Hội An nhân tình thuần hậu; phục vụ các mục tiêu xây dựng thành phố theo định hướng Văn hóa - Sinh thái - Du lịch; đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu “đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 đề ra.

Dịp này, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng trân trọng cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; đồng thời chúc mừng TP Hội An vinh dự đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An lần này./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực