Việc dùng loa để mở nhạc, hát các điệu nhạc truyền thống của quê hương cho du khách thưởng thức ban đầu là việc làm hay tại Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu. Tuy nhiên gần đây do sự bùng phát số lượng loa đã khiến khu rừng dừa này bị ô nhiễm tiếng ồn, tạo ra sự bát nháo trong cách làm du lịch
Mở loa, mở nhạc để đáp ứng nhu cầu của khách
Đó là thực trạng diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu (thuộc xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) thời gian gần đây. Theo nhiều người dân địa phương, loa và nhạc không những gây ô nhiễm tiếng ồn tại đây mà còn khiến cho một khu du lịch sinh thái nổi tiếng bỗng trở nên bát nháo bởi cách làm chộp giật, thiếu lành mạnh.
Đem phản ánh này của người dân đến chính quyền xã Cẩm Thanh, chúng tôi được ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận là đúng thực tế. Theo ông Linh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian qua, tại khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu, du khách nước ngoài tìm đến khá đông, trong đó chủ yếu là khách đến từ các nước châu Âu và Hàn Quốc, Trung Quốc.
“Tuy nhiên, thị hiếu và cách thưởng thức du lịch mỗi nước không giống nhau. Nếu khách châu Âu thích sự tự nhiên, yên lặng để trải lòng với thiên nhiên thì khách châu Á, nhất là khách Hàn Quốc, Trung Quốc lại thích náo nhiệt, ồn ào. Đặc biệt, khách Hàn Quốc rất thích ca nhạc, nhảy múa ngay trên thuyền gắn với biểu diễn lắc thuyền thúng. Do đó, các khách Hàn Quốc sẵn sàng bỏ thêm tiền để “bo” cho các thuyền nhằm mở nhạc theo yêu cầu của họ. Điều này vô hình chung đã khiến cho những người làm du lịch tại đây bất chấp các quy định, mở loa, mở nhạc lớn theo nhu cầu của khách, gây ồn ào, bát nháo… khiến những đoàn khách khác và cả người dân trong khu vực khó chịu, bức xúc”- ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết.
Trước sự bát nháo, ô nhiễm tiếng ồn, nhiều du khách, nhất là du khách châu Âu tỏ ra bất bình, bỏ đi. Thậm chí có một số đơn vị dẫn khách (theo các tour đặt trước) bị khách từ chối, gây mất khách và thiệt hại về kinh tế nên đã phản ánh đến chính quyền địa phương, yêu cầu có biện pháp lập lại trật tự tại đây. Ngoài ra, một số người còn phản ánh, chụp hình cảnh bát nháo này để đưa lên mạng xã hội, yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp, ngăn chặn.
Lập lại trật tự nhưng phải dung hòa lợi ích
Theo thông tin của UBND xã Cẩm Thanh, tại khu vực Rừng dừa Bảy Mẫu có 918 chiếc thúng chai (của khoảng 400 hộ dân thuộc 2 thôn Thanh Tam Đông và Vạn Lăng của xã Cẩm Thanh) và 200 chiếc loa di động phục vụ việc đưa du khách vào tham quan rừng dừa. Trung bình mỗi ngày tại đây đón từ 1.000 -1.500 khách gồm nhiều đoàn đến tham quan.
Để phục vụ khách, theo quy định của chính quyền xã Cẩm Thanh và Ban quản lý Khu du lịch này, mỗi đoàn khách được phục vụ khoảng 05 thuyền thúng và 01 loa di động. Thời gian hoạt động từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách đổ về Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu có sự gia tăng, có ngày tăng đến 2.000 người, thậm chí cao hơn, nhất là dịp cuối tuần hay ngày lễ, tết.
Tham gia đưa đón khách, phục vụ khách, mỗi ngày 01 lao động làm nghề chèo thuyền thúng có thu nhập khoảng 300-400 nghìn đồng/ngày. Nếu thuyền thúng nào có mở nhạc phục vụ theo yêu cầu của khách thì còn có mức thu nhập cao hơn.
“Do có thêm thu nhập từ tiền “bo” của khách khi được đáp ứng nhu cầu mở nhạc nên ban đầu mỗi đoàn khách chỉ có 01 loa phục vụ sau đó đã tăng lên nhiều loa, thậm chí mỗi thuyền có 01 loa. Như vậy, theo quy định 01 đoàn khách tối đa có 05 thuyền phục vụ và 01 loa, nay tăng lên đến 05 loa. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu cùng một thời điểm có nhiều đoàn khách đến, với con số này nhân lên sẽ cho thấy lượng loa phát ra âm thanh tại khu rừng dừa sẽ rất lớn, từ đó gây ô nhiễm về âm thanh”- ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết.
Trong rừng dừa, có những thời điểm lượng thuyền thúng đưa du khách tham quan rất đông. Vì thế, việc tự do dùng loa mở nhạc với âm lượng lớn gây ra tình trạng "đàn ong vỡ tổ" tại Khu du lịch sinh thái này.
Trước thực trạng trên, UBND xã và Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu đã chỉ đạo các tổ trật tự du lịch trên sông thường xuyên túc trực vừa để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, đồng thời yêu cầu các thuyền thúng nghiêm túc thực hiện các quy định, nhất là không được tăng lượng loa tại đây. Thế nhưng trên thực tế, các tổ trật tự vì lượng người và phương tiện mỏng đã không xử lý triệt để nạn bùng phát số loa cũng như hiện tượng tranh giành khách ở đây.
“Tình trạng bát nháo tại rừng dừa Bảy Mẫu bùng phát từ năm 2017. Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2018, khi TP.Hội An cho phép Ban quản lý Khu du lịch này tổ chức bán vé tham quan, đồng thời siết chặt quản lý nên tiếng ồn cơ bản giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện cả về con người, phương tiện và địa hình sông nước nên tình trạng bát nháo, ô nhiễm tiếng ồn tại đây vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện, UBND xã Cẩm Thanh đang tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, du khách và doanh nghiệp để tìm giải pháp khắc phục”- ông Nguyễn Hùng Linh cho biết thêm.
Cũng theo ông Linh, quan điểm nhất quán mà xã Cẩm Thanh đưa ra là phải xử lý, ngăn chặn dứt điểm tình trạng bát nháo, ô nhiễm tiếng ồn ở Rừng dừa Bảy Mẫu, song vì liên quan đến kinh tế của 400 hộ dân thuộc 2 thôn Thanh Tam Đông và Vạn Lăng nên UBND xã và Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu thống nhất là phải dung hòa lợi ích giữa các hộ dân, các thuyền thúng với nhau, đồng thời phải có lộ trình để chấm dứt tình trạng trên.
“Hiệnxã đã đặt ra thời điểm đến ngày 6/9 phải xử lý dứt điểm. Từ nay đến ngày 6/9, xã sẽ tập trung các lực lượng vừa làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tại đây; đồng thời tiến hành quy hoạch, chọn một khu vực trên sông (bên ngoài rừng dừa) làm nơi biểu diễn lắc thuyền thúng và mở nhạc cho du khách thưởng thức. Khu vực này xa khu dân cư và không ảnh hưởng đến các đoàn khách khác đến tham quan rừng dừa. Ngoài quy định trên, xã và Ban quản lý Khu du lịch tại đây cũng chỉ cho phép tại khu vực tập trung này có 1-2 loa phục vụ khách mà thôi. Nếu các thuyền thúng nào vi phạm, không chịu đưa khách tập trung đây để mở nhạc hay biểu diễn thuyền thúng mà vẫn tiếp tục mở nhạc trong rừng dừa hoặc tự ý tăng cường loa sẽ bị phạt nặng. Điều này vừa đảm bảo vẫn thu hút du khách đến đây nhưng đồng thời cũng giảm được lượng loa mà có lúc cao điểm lên đến 500 loa sẽ giảm xuống chỉ còn 02 loa. Từ đó sẽ không còn cảnh bát nháo, mạnh ai nấy mở loa, mở nhạc rất ồn ào như thời gian qua”- Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Nguyễn Hùng Linh cho biết./.