Hội thảo “Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế”

Thứ sáu, 14/03/2014 13:57

Nhân kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế, ngày 13/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế”. Dự hội thảo có đông đảo các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trung ương và địa phương.

 

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: bacgiang.gov.vn

Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích về thân thế, sự nghiệp của thủ lĩnh Lương Văn Nắm và các nghĩa sỹ của ông trong giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1892). Từ đó đánh giá, khẳng định vai trò của Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đồng thời các tham luận cũng đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn, khai thác, phát huy tinh thần yêu nước, giá trị di tích liên quan đến thủ lĩnh Lương Văn Nắm trong giai đoạn hiện nay và mai sau.

Tiến sỹ Trần Đình Luyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội sử học tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “Lương Văn Nắm là nhân vật tài ba xuất chúng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về mặt quân sự; đồng thời là một người có uy tín lớn đối với nghĩa quân Yên Thế. Ông đã tập hợp được nhiều người có tài năng cùng ý chí chiến đấu kiên cường vào trong bộ chỉ huy của ông và đưa cuộc khởi nghĩa Yên Thế trở thành phong trào chống Pháp tiêu biểu và phát triển tới đỉnh cao của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX”.

Tiến sỹ Sử học Khổng Đức Thiêm cũng khẳng định: Với vai trò thủ lĩnh, Lương Văn Nắm đã sử dụng hệ thống làng chiến đấu và đồn lũy kiên cố, đường lối cơ bản về chiến lược và sách lược của cuộc khởi nghĩa Yên Thế - yếu tố quyết định để cuộc khởi nghĩa kéo dài 30 năm. Với tài quân sự của Đề Nắm trong vòng 8 năm lãnh đạo, nghĩa quân của ông đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, lập nên những chiến tích vang dội trong lịch sử đấu tranh của nhân dân địa phương trước quân Pháp xâm lược.

Thủ lĩnh Lương Văn Nắm hay còn gọi là Đề Nắm quê ở làng Hả, xã Thế Lộc (nay là xã Tân Trung, Tân Yên, Bắc Giang). Ngày 16/3/1884 sau trận tập kích quân Pháp tại Đức Lân (Phú Bình, Thái Nguyên) thắng lợi, ông đã tổ chức lễ tế cờ tại đình Hả chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang nhân dân trên địa bàn huyện Yên Thế. Trong 8 năm đầu của cuộc khởi nghĩa (1884 đến 1892), Đề Nắm đã lãnh đạo nghĩa quân củng cố và phát triển lực lượng, ngoan cường chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp vào vùng Yên Thế, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, đồng thời đưa phong trào phát triển rộng khắp vùng Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc… Với tiếng tăm của ông, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân đã về hội tụ như Bá Phức, Đề Thám…

Tài năng của Lương Văn Nắm làm thực dân Pháp khiếp sợ, chúng tìm mọi cách để mua chuộc và hãm hại ông nhằm dập tắt phong trào Yên Thế. Ngày 11/4/1892 Đề Nắm đã bị Đề Sặt - một tướng lĩnh trong nghĩa quân đầu hàng Pháp đầu độc. Sau cái chết của Đề Nắm, Đề Thám (tức Hoàng Hoa Thám) đã đảm nhận vai trò thủ lĩnh, tiếp tục sự nghiệp của Lương Văn Nắm.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng: Để đánh giá và tôn vinh xứng đáng những công lao, đóng góp của Đề Nắm với khởi nghĩa Yên Thế, cần xây dựng các công trình văn hóa tâm linh liên quan đến ông như: Tượng đài Lương Văn Nắm, Đền thờ Lương Văn Nắm và dựng Bia ghi danh các tướng lĩnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Đồng thời tỉnh Bắc Giang phải tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giáo dục truyền thống cho người dân biết về Lương Văn Nắm - Thủ lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Yên Thế; soạn thảo một cuốn sách riêng về thân thế, sự nghiệp của Lương Văn Nắm. Bên cạnh việc tập trung rà soát, xây dựng, quy hoạch tổng thể những giá trị văn hóa, lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Bắc Giang cần mở rộng, kết nối các tour, tuyến du lịch nhằm khai thác có hiệu quả giá trị của các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực