Ngày 13/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo giới thiệu về Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2023 và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.
Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hoá - Du lịch Đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di sản văn hoá Việt Nam do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức nhằm thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
|
Họp báo giới thiệu về Chương trình. |
Đây là ngày hội chung của dân tộc, nhân dân cả nước ngoài thắp hương lễ Tổ, còn được tham gia vào các hoạt động văn hoá hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Đồng thời, đây là hoạt động nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 21 đến 28/4, tại Phú Thọ với 5 hoạt động chính, gồm: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị - Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”; Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam. Lễ khai mạc diễn ra lúc 20 giờ tối 21/4, tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì (Phú Thọ).
Trong 5 sự kiện trên, việc tổ chức hoạt động Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nằm trong kế hoạch triển khai các hoạt động của Thành viên Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 của Việt Nam, qua đó sẽ góp phần tăng cường phối hợp với UNESCO và các cơ quan, tổ chức cũng như các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy thực hiện công ước, nâng cao năng lực bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.
Hiện Ban Tổ chức đang tích cực chuẩn bị cho công tác lễ hội. Tính đến hết ngày 12/4, Cục Di sản Văn hóa đã tham mưu, ban hành các văn bản, phối hợp với các đơn vị liên quan và có kịch bản cụ thể đối với từng sự kiện. Tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để các sự kiện được diễn ra thuận lợi. Đây là lần đầu tiên Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh được tổ chức với quy mô quốc gia. Đây là dịp để các tỉnh, thành phố sở hữu di sản có cơ hội thực hành, diễn xướng di sản; là dịp để khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện kịch bản cho lễ khai mạc và các nghệ nhân, nghệ sĩ đang tiến hành tập luyện. Tỉnh đang hoàn thiện cơ sở vật chất, không gian, sân khấu để phục vụ cho lễ khai mạc. Phú Thọ cũng chuẩn bị đầy đủ điều kiện để các tỉnh, thành phố sở hữu di sản văn hóa được UNESCO ghi danh đến tham gia trình diễn. Dự kiến năm nay tỉnh Phú Thọ đón 8 triệu lượt khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng 2023”.
Bên cạnh 5 sự kiện phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tỉnh Phú Thọ còn chủ trì, tổ chức 20 sự kiện văn hoá, du lịch, quan trọng, cùng với đó chuỗi các hoạt động văn hoá, du lịch, thương mại trong nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hoá - Du lịch Đất Tổ. Theo ông Nguyễn Đắc Thuỷ, thông qua chuỗi hoạt động văn hoá, du lịch, tỉnh Phú Thọ mong muốn giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ./.