Huế - “kinh đô” của ẩm thực

Chủ nhật, 11/02/2024 10:18
(ĐCSVN) - Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1700 món ăn thì Huế đã có tới 1300 món. Ẩm thực Huế là cả một kho tàng phong phú với hệ ẩm thực cung đình, hệ ẩm thực chay Phật giáo, hệ ẩm thực dân gian... mà mỗi hệ đã có hàng trăm món với chất liệu, cách chế biến, cách thưởng thức vô cùng đa dạng... Chính vì thế, nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến việc xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực của Việt Nam.

Nói đến Huế, người ta không chỉ nghĩ đến thành quách, cung điện lộng lẫy, một thành phố xanh trữ tình được tôn vinh là “kiệt tác thơ-kiến trúc đô thị”, mà chắc chắn còn nghĩ ngay đến một di sản độc đáo khác của cố đô: Nghệ thuật ẩm thực Huế. Huế là nơi duy nhất có “Thực phổ bách thiên” (thực đơn nấu 100 món) bằng thơ lại do một Nhất phẩm phu nhất sáng tác (từ cuối thế kỷ XIX), là nơi đầu tiên thành lập “Nữ công học hội” dạy nữ công gia chánh (từ năm 1927), là nơi có trường nữ Đồng Khánh lừng danh bởi các nữ sỹ tài danh, “Công dung ngôn hạnh” vẹn toàn…

Tinh túy hệ ẩm thực cung đình Huế

Lịch sử hình thành vùng đất Huế, vùng văn hóa Huế cũng là lịch sử của sự giao lưu và hội tụ. Huế sớm trở thành một trung tâm mới của người Việt ở phương Nam từ đầu thế kỷ XVII nên càng là nơi tụ hội của nhân tài bốn phương, trong đó có không ít những bậc thầy về nghệ thuật ẩm thực.

Bún bò Huế  - món ăn dân dã làm say lòng biết bao thực khách.

Trên một vùng đất được xem là trung độ của đất nước, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa có cái lạnh của xứ Bắc, vừa đặc trưng bởi khí hậu nóng ẩm của phương Nam, địa hình đủ cả núi non, trung du, đồng bằng, sông ngòi, đầm phá, ven biển... Huế là nơi hội tụ của các loài thực vật, động vật hết sức giàu có của thiên nhiên Việt Nam. Đó chính là nguồn nguyên liệu tự nhiên tuyệt vời cho ẩm thực xứ Huế.

Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, với vị thế kinh đô đất nước của hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn, Huế là biểu tượng của trí tuệ và tài hoa Việt Nam. Ẩm thực của kinh đô văn vật qua óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thực sự đã được nâng lên thành một thứ nghệ thuật, trở thành một di sản quý báu mà lớp lớp con cháu người Huế đến nay vẫn rất tự hào.

 Hệ ẩm thực cung đình Huế với những món ăn cực kỳ tinh túy thì hệ ẩm thực dân gian đa dạng và tinh tế. 

Hệ ẩm thực cung đình Huế vốn có nguồn gốc từ dân gian được tuyển chọn, nâng cấp và quý tộc hóa mà thành. Điểm quan trọng nhất là các món ăn phải được phối hợp cùng nhau để tạo nên một “phương thang”, vừa bổ dưỡng, vừa có công dụng loại trừ bệnh tật, tăng cường sức khỏe cho nhà vua. Bởi vậy, dù trong cung mỗi món ăn do một nghệ nhân đảm trách nhưng phải nằm trong sự quản lý chung của đội Thượng Thiện và đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát của viện Thái Y.

Sử liệu có ghi lại mỗi bữa ăn bình thường của nhà vua cũng đã có đến 50 món; yến tiệc thì lên đến hàng trăm món. Ngoài những món xa hoa như nem công, chả phụng, bát trân… thì cũng có những món có nguồn gốc dân gian như cá bống thệ kho, xôi vò, dưa kiệu, các loại chè, các loại bánh lá…

Tinh tế và phong phú hệ ẩm thực dân gian

Nếu hệ ẩm thực cung đình Huế với những món ăn cực kỳ tinh túy thì hệ ẩm thực dân gian đa dạng và tinh tế. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi thấy người bình dân ở Huế mỗi bữa ăn cũng có đến cả chục món, được bày biện hết sức đẹp mắt. Món ăn dân gian Huế thường được chế biến rất đa dạng và tinh tế. Đến cả món muối cũng có hàng chục loại: muối sả, muối ớt, muối thịt, muối mè, muối đậu, muối tiêu, muối khế, muối ruốc, muối sườn, muối từ các loại cá… được tạo thành bằng đủ phương pháp kho, om, chiên, trộn, hon… Các loại chè, cháo thì thật phong phú và khó mà thống kê chính xác là có bao nhiêu loại. Truyền thống này đã có từ hơn 200 năm trước khi Huế đang là Đô thành của xứ Đàng Trong.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tại một quán chè Huế.

Ẩm thực chay cũng là nét độc đáo, riêng biệt của xứ Huế. Ẩm thực chay của Huế vì thế được đầu tư công phu từ chất liệu, cách chế biến đến lối trình bày. Huế vốn là Thiền kinh với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ cùng hàng ngàn tăng ni hoạt động tôn giáo. Phật giáo vốn có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cung đình cũng như đời sống dân gian xứ Huế. Bản thân vua chúa, quan lại cũng ăn chay mỗi khi tế cáo đất trời, tôn miếu hay những dịp nghỉ ngơi thư giãn. Nữ giới trong cung thì hầu hết đều thờ Phật nên càng chú trọng việc ăn chay. Ngày nay, khi dự một buổi tiệc chay cung đình, nhiều du khách đã choáng ngợp và thích thú khi thấy trên mâm có hàng chục món được trình bày như những tác phẩm nghệ thuật, lại có cả nem công, chả phụng, chân giò hầm, gà xé phay… nhưng tất cả đều được chế biến từ gạo, mè, đậu phụ, rau quả…

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ, hơn ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Huế trở thành cố đô. Nghệ thuật ẩm thực Huế từ đất Thần kinh cũng đã lan tỏa đi muôn nơi theo bước chân của những người con xứ Huế. Đó cũng là một cách quảng bá hữu hiệu cho văn hóa Huế. Tuy nhiên nếu có cơ hội, người ta vẫn nên đến thăm cố đô để cảm nhận được đầy đủ về văn hóa Huế, con người Huế. Trong khung cảnh thơ mộng hữu tình của non nước Thần kinh, bạn sẽ thấy ẩm thực Huế quyến rũ và đáng được tôn vinh đến thế nào bởi ngoài chuyện ăn, chuyện uống ở Huế cũng có nhiều nét độc đáo.

Món ăn vả trộn của Huế, ăn một lần là nhỡ mãi. 

Uống trà kiểu Huế cũng được nâng lên hàng nghệ thuật bởi kiến thức, sự cầu kỳ, sự tinh tế của giới quý tộc. Ngay cả bộ đồ uống trà cũng phải là loại đồ sứ cao cấp đặt hàng ở các lò sứ thượng hạng ở Giang Tây, Trung Quốc. Trong dân gian thì ngoài trà sen, trà lài, trà sói, trà ngâu… còn có nước đậu ván rang, nước gạo rang, nước lá vằng, lá vối, lá “Mùng Năm”…

Các loại rượu thì vô cùng phong phú bởi Hoàng cung là nơi tụ hội của rượu ngon được dâng tiến từ khắp miền đất nước. Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là Minh Mạng Thang, loại rượu bổ vốn dành cho vua Minh Mạng, giúp vị hoàng đế này luôn tráng kiện, có sức làm việc phi thường, và có đến 142 người con! Tuy nhiên ít người biết, Minh Mạng Thang vốn có hàng chục loại khác nhau để nhà vua sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, chứ không phải chỉ có một loại. Còn trong các nghi lễ tế cúng quan trọng nhất của triều đình thì người ta lại dùng loại rượu trắng do phủ Nội Vụ cất từ các loại gạo ngon trồng ở ruộng Tịch Điền.

Bên cạnh đó, các vua chúa Nguyễn cũng biết đến các loại rượu Tây từ rất sớm. Trong cung Nguyễn không hiếm gì các loại rượu vang, rượu mạnh do sứ giả, tàu buôn nước ngoài biếu tặng. Người Huế cũng biết uống cà phê từ rất sớm, có lẽ là sớm nhất trong nước. Cho đến nay, tỉ lệ quán cà phê trên dân số thì khó nơi nào bằng Huế! Thưởng thức cà phê đã trở thành một phần của văn hóa Huế, đi vào và để lại nhiều dấu ấn trong cả thơ ca, nhạc họa của Cố đô.

Dù là món ăn hay thức uống, dù thuộc hệ ẩm thực nào thì các món Huế luôn có nét riêng: cầu kỳ, tinh tế và quyến rũ bởi ẩm thực là văn hóa. Ẩm thực kiểu Huế không chỉ là chuyện “khẩu thực” (ăn bằng miệng) mà phải có cả “nhãn thực” (ăn bằng mắt), “thính thực” (ăn bằng tai), “khứu thực” (ăn bằng mũi), và cao nhất là “tâm thực” (ăn bằng cả tấm lòng)!

“Tài nguyên ẩm thực Huế được khẳng định là một trong những lợi thế cạnh tranh bậc nhất về du lịch của vùng đất Cố đô. Để khai thác tài nguyên này cho phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch dài hơi nhằm gìn giữ, xây dựng phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực Huế, biến thương hiệu văn hóa thành thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách” – ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ./.


                                                                                   

                                                                       

 

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực